Nước đã về buôn

Nhờ sáng kiến đưa nguồn nước từ trên núi cao về của chị H’Jông Ksơr, đồng bào M’nông ở buôn Kiều, xã Yang Mao, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) giờ đây không còn phải lo thiếu nước sạch sinh hoạt.

Buôn Kiều nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 100 km. Cả buôn có 120 hộ, gần 100% dân số là đồng bào M’nông. Cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn do địa hình đồi núi cao, sản xuất chỉ phụ thuộc vào “nước trời”. Không chỉ thiếu nước sản xuất, người dân ở đây cũng vô cùng gian nan trong việc tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt.

Những năm trước đây, để có nước sinh hoạt, chị H’Jông Ksơr cũng như những phụ nữ M’nông khác trong buôn phải đi bộ lên đầu nguồn, cách buôn 2 km, để gùi nước về. Với những hộ gia đình đông người, có khi gùi cả nửa ngày vẫn không đủ nước sinh hoạt.

Trước đây đồng bào lấy nước sinh hoạt ở những con suối gần buôn, không hợp vệ sinh.


Thấy sự vất vả của bà con, chị H’Jông Ksơr đã bàn với chồng nhiều lần thử cắt những ống nứa to trên núi, kết nối lại để dẫn nước về buôn, nhưng đều thất bại do thiếu vốn và không có kinh nghiệm trong kỹ thuật ghép nối ống nứa. Năm 2008, quyết tâm thực hiện bằng được ý tưởng của mình, chị H’Jông Ksơr đã tìm đọc tài liệu, sách báo, tìm hiểu qua tivi… kinh nghiệm, kỹ thuật làm ống dẫn nước. Ngoài việc vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông, chị còn bán thêm một con bò của gia đình để xây một bể chứa khá lớn và mua 2.000 m ống dẫn, bỏ ra hàng chục ngày công để xây dựng công trình ống dẫn đưa nước sạch từ trên đầu nguồn về tận buôn. Khi công trình nước được hoàn thành, người dân ở buôn Kiều ai cũng vui mừng đón nguồn nước sạch trong trẻo mát lành.

Từ ngày có nước sạch về buôn, phụ nữ trong buôn đã không còn phải lên đồi cao để gùi nước về nữa. Việc chăn nuôi, trồng trọt của các hộ trở nên thuận tiện hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chị H’Phơng Byă, vui mừng cho biết: “Trước đây phải đi bộ gần cả ngày đường núi, gùi nước về mà vẫn phải phải tiết kiệm. Nhiều hôm ốm, không lấy được nước, đành phải gùi nước suối gần nhà, nhưng nước này trâu, bò tắm nên không đảm bảo vệ sinh. Nay đã có nguồn nước sạch chảy thẳng về buôn. Có nước sạch nên bọn trẻ không còn bị bệnh gì về da nữa. Cả buôn ai cũng vui mừng”.

Nhờ công của chị H’Jông, nay đã có nước sạch từ đầu nguồn dẫn về bể chứa.


Cũng từ khi có nguồn nước sạch về buôn, chị H’Jông Ksơr đã vận động các thành viên trong gia đình đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Hiện nay gia đình chị H’Jông đã trồng được 1,5 ha cà phê, 3 sào ruộng nước, trồng ngô, chăn nuôi lợn, bò sinh sản… mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Gia đình chị cũng đã cất được ngôi nhà mới khang trang và đầy đủ tiện nghi, sắm được các loại máy móc, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chị H’Jông Ksơr còn quan tâm giúp đỡ đồng bào trong buôn về kỹ thuật trồng cây lúa, chăm sóc cây cà phê, chăn nuôi bò..., tự nguyện cho mượn vốn không tính lãi để các hộ chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Trong số 6 hộ nghèo mà chị H’Jông giúp đỡ, đến nay có gia đình chị H’Toen Ksơr đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá trong buôn.

Chị H’Ten Ksơr, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yang Mao, huyện Krông Bông chia sẻ: Việc làm của chị H’Jông Ksơr là việc làm hết sức ý nghĩa, giúp đưa nguồn nước sạch về buôn, đồng bào xã Yang Mao bớt đi một phần khó khăn trong cuộc sống.


Bài và ảnh: Phạm Cường
72% dân Tây Nguyên đã có nước sạch
72% dân Tây Nguyên đã có nước sạch

Trên 72% dân ở khu vực Tây Nguyên đã có nước sạch để sử dụng, trong đó tỉnh Đắk Lắk là nơi có nhiều người được dùng nước sạch nhất với tỷ lệ 81%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN