"Nữ tướng" chốn rừng xanh

Là người miền xuôi, nhưng lên làm dâu của bản người Dao và góp sức rất nhiều cho sự phát triển thôn bản, được mọi người phong tặng biệt hiệu là "Nữ tướng" chốn rừng xanh, chị Lý Thị Pham, Hội trưởng phụ nữ xã Nậm Lành đã kể như vậy về chị Nguyễn Thị Huệ (thôn Nậm Kịp, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).

Chị Nguyễn Thị Huệ.

Sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình, năm 1971, chị Nguyễn Thị Huệ tình nguyện lên công tác ở Lâm trường Văn Chấn, rồi kết duyên với anh Triệu Tiến Thanh, người dân tộc Dao ở thôn Nậm Kịp, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn. Năm 1983, chị được bà con trong bản bầu là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, kiêm cộng tác viên dân số của thôn Nậm Kịp. Vạn sự khởi đầu nan, đây là năm đầu tiên xã thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), nên tỷ lệ tăng dân số tự nhiên vẫn rất cao. Mặc dù chị Huệ đã được tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền về thực hiện KHHGĐ, nhưng mọi chuyện không hề đơn giản đối với chị. Khó khăn chồng chất khó khăn, bởi trình độ dân trí của đồng bào người Dao nơi đây rất thấp, không ít chị em vừa không biết chữ, vừa không nói được tiếng phổ thông. Rồi là tư tưởng "trời sinh voi, sinh cỏ"; tư tưởng "trọng nam, khinh nữ", tư tưởng buộc phải có con trai để nối dõi tông đường, hay tư tưởng phải "có nếp, có tẻ" vẫn còn rất nặng nề trong dồng bào.

Không chùn bước trước khó khăn, chị Huệ tự nhủ: Trước hết mình phải làm gương cho mọi người về KHHGĐ, đồng thời chăm chỉ làm ăn để cuộc sống gia đình khá hơn mọi người dân trong bản. Khi tuyên truyền phải áp dụng phương châm "mưa dầm thấm lâu", kiên trì vận động thì người dân mới nghe theo. Bằng lòng nhiệt tình và trách nhiệm trước công việc, chị kiên trì vận động, nhấn mạnh ích lợi của việc sinh ít: “Đẻ ít con, ta có nhiều điều kiện để chăm sóc và nuôi dưỡng con cái. Ở bản mình có nhiều người đẻ dày quá, không có điều kiện để chăm sóc con, cũng không có thời gian để làm nương làm rẫy, nên cứ nghèo mãi”…

Vận động nhân dân đã khó, khi thực hiện KHHGĐ lại càng khó khăn hơn, bởi hồi đó ở Yên Bái mới chỉ áp dụng được mỗi biện pháp đặt vòng tránh thai. Mà chị em muốn đặt vòng cũng phải rồng rắn đi bộ hơn 20 km xuống Trung tâm Y tế Nghĩa Lộ mới thực hiện được. Song bằng lòng nhiệt tình, sự kiên trì nhẫn nại, chị Huệ đã vận động được mọi người nghe theo. Nhờ đó, nhiều năm nay ở bản Nậm Kịp không có người sinh con thứ ba, đa số các cặp vợ chồng trẻ đều sinh 2 con và khoảng cách giữa 2 lần sinh cách nhau khá xa...

Không chỉ làm tốt công tác KHHGĐ, chị còn là người đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2006, Câu lạc bộ khuyến nông của bản được thành lập. Chị Huệ lại được bà con bầu chọn làm Chủ nhiệm câu lạc bộ. Câu lạc bộ được cán bộ khuyến nông lên tận bản để dạy cách thâm canh lúa nước, mang lại năng suất cao. Học được kiến thức mới, chị và gia đình đã đi đầu trong việc chuyển đổi từ cách cấy lúa truyền thống sang làm cây mạ khay, bởi theo phương pháp làm mạ khay không chỉ giảm được công cấy mà còn tăng năng suất lúa, đáp ứng mong muốn của người làm ruộng. Do thấy ích lợi của việc làm mạ khay từ gia đình chị, mọi người trên bản mới học cách làm theo. Nhiều khi chị bỏ cả công việc của gia đình mình, đến từng nhà hướng dẫn cho bà con để mọi người cùng theo cách làm ăn mới. Câu lạc bộ khuyến nông ngày càng đông vui và có thêm nhiều thành viên mới. Ngày mới thành lập có 28 hội viên, hiện giờ câu lạc bộ đã phát triển lên 42 hội viên, chị em cùng dạy nhau cách gieo mạ mới, nhân giống ngô lai, đậu tương…

Bây giờ Nậm Kịp không chỉ đi đầu trong công tác KHHGĐ, mà còn đi đầu trong việc áp dụng phương pháp canh tác mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Vì thế kinh tế của Nậm Kịp hôm nay đã phát triển hơn trước rất nhiều. Mặc dù đã ở tuổi lục tuần, nhưng chị Huệ vẫn được dân tín nhiệm, tiếp tục bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, cộng tác viên dân số và là Chủ nhiệm câu lạc bộ khuyến nông của thôn.

Đức Tưởng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN