Những nghệ nhân giữ hồn dân tộc

Ông Bàn Kim Sơn, dân tộc Dao, thôn Nà Cọn, xã Sơn Phú, huyện Na Hang (Tuyên Quang) được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng khen và có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc. Năm nay đã 79 tuổi nhưng bất kể ngày nắng, ngày mưa khi người dân hoặc gia đình nào trong bản, ngoài xã có nhu cầu cấp sắc, cúng giải hạn, cúng cầu mùa... ông đều đến tận nơi để làm lễ. Những lúc rảnh rỗi ông lại đi “điền dã” đến các làng bản của người Dao để sưu tầm, ghi chép về truyền thống văn hóa của đồng bào Dao.

Ông Sơn sinh ra trong gia đình có truyền thống văn hóa nên ngay từ tuổi thanh niên, ông đã có ý thức nghiên cứu, bảo tồn truyền thống văn hóa của gia đình, dòng họ, đặc biệt là lễ cấp sắc của người Dao. Ông Sơn cho biết: Lễ cấp sắc là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của người Dao. Theo quan niệm của đồng bào, lễ cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông dân tộc Dao, có được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành và có đủ thẩm quyền tham gia các công việc của cộng đồng như thầy cúng, ông mối làng...

Nghệ nhân Ma Văn Đức (thành phố Tuyên Quang) đang lên dây đàn tính.



Không những vậy, để bảo tồn và lưu truyền văn hóa cho thế hệ trẻ, ông Sơn đã thành lập Đội văn nghệ của người Dao Phia Chang, với gần 20 thành viên. Sau giờ lao động sản xuất, trồng lúa, ngô, lên rừng tìm ong lấy mật, ông lại miệt mài dạy thanh niên nam nữ trong bản tập văn nghệ. Các bài hát “Mùa màng”, “Lễ tơ hồng”, “Lễ cưới hồn lúa”, “Lễ đầy tháng”, hát “Dung óm” đều do ông sưu tầm, sáng tác từ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Dao. Từ khi thành lập, Đội văn nghệ của người Dao Phia Chang tham gia đều đặn các cuộc liên hoan văn hóa, văn nghệ huyện, tỉnh và các tỉnh khu vực vùng Đông Bắc đều đoạt giải cao.

Nghệ nhân Hà Văn Thuấn, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa đang truyền dạy hát Then cho cháu.



Cũng như ông Bàn Kim Sơn, ông Hà Văn Thuấn, dân tộc Tày ở thôn Tân Hợp, xã Tân An (huyện Chiêm Hóa), năm nay đã bước sang tuổi 75, nhưng vẫn tích cực sưu tầm các bài Then cổ, sáng tác lời mới để truyền dạy cho con cháu. Để hiểu và hát được các bài Then cổ, ông Thuấn miệt mài học chữ Nho trong một thời gian dài. Giờ đây, ông có thể dịch từ chữ Nho sang tiếng Tày, từ tiếng Tày sang tiếng Kinh, góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân. Hiện ông vẫn duy trì dạy hát Then, đàn tính cho những người yêu thích làn điệu Then Tày trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là thường xuyên mở các lớp truyền dạy cho thanh thiếu niên, nhi đồng tại địa phương.

Bên cạnh đó, ông Thuấn còn sưu tầm được trên 60 bài Then cổ; truyền dạy kỹ năng hát Then, đàn tính cho trên 300 học viên. Mong muốn của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang cũng như ông Hà Văn Thuấn là hát Then sớm được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông Bàn Kim Sơn, dân tộc Dao, thôn Nà Cọn đang nghiên cứu sách viết về văn hóa hóa dân tộc Dao.


Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe cũng đã yếu nhưng những nghệ nhân dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang vẫn miệt mài nghiên cứu, giữ gìn để phát huy giá trị văn hóa dân tộc mình. Họ chính là những người “giữ hồn” của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Ngoài ông Bàn Kim Sơn, Hà Văn Thuấn, tại tỉnh Tuyên Quang hiện còn rất nhiều người tâm huyết với việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc, trong đó phải kể đến các cá nhân như ông Sầm Văn Dừn, dân tộc Cao Lan, ở thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (huyện Sơn Dương), không chỉ đi sâu nghiên cứu, thực hiện các nghi lễ, phong tục tập quán của dân tộc mình, ông Dừn đang lưu giữ hơn 200 đầu sách cổ và 8 tập sách hát Sình ca, các nhạc cụ như trống sành, kèn pí lè, chũm choẹ, sóc nhạc...

Ông Dừn đã truyền dạy hát Sình ca và múa cho 4 thế hệ diễn viên quần chúng với gần 80 người, giúp khoảng 10 người làm khóa luận tốt nghiệp đại học và sau đại học trong lĩnh vực văn hóa dân tộc Cao Lan. Hay ông Lâm Văn Cầu, dân tộc Cao Lan ở thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình (Yên Sơn) là người có uy tín trong thôn, am hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc đồng thời tham gia biểu diễn và truyền dạy cho thế hệ trẻ; ông Nguyễn Mạnh Thẩm, dân tộc Tày ở thôn Nà Đồn, xã Thanh Tương (Na Hang) nắm giữ các làn điệu Then cổ, đặt lời mới cho các làn điệu then để biểu diễn trong các ngày hội của dân tộc...

Màn biểu diễn hát Then của đồng bào dân tộc Tày huyện Chiêm Hóa - “cái nôi” hát Then tỉnh Tuyên Quang.


Theo ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh có 22 dân tộc, cư trú lâu đời, có phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo. Nhưng do nhiều nguyên nhân, bản sắc văn hóa các dân tộc đang bị mai một. Vì vậy, việc các nghệ nhân mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn miệt mài sưu tầm, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc và truyền lại cho thế hệ mai sau “hồn cốt” của dân tộc là việc làm rất đáng trân trọng.

Bài và ảnh: Vũ Quang Đán
Giữ hồn dân tộc
Giữ hồn dân tộc

Dạy các em có tư thế trang trọng khi chào cờ, khi hát quốc ca, biết biển đảo quê hương qua các mô hình đơn giản, dễ làm, thật gần gũi đời thường đó chính là cách để giáo dục tuổi trẻ hướng về cội nguồn và luôn biết giữ hồn dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN