Nhộn nhịp chợ vùng cao phiên giáp Tết

Không chỉ là nơi giao thương trao đổi hàng hóa, chợ phiên ở vùng cao Hà Giang còn chứa đựng những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây.

Không gian văn hóa đặc trưng đó được thể hiện rõ nét ở những phiên chợ của người dân huyện Mèo Vạc, nhất là phiên chợ ngày 22/1 – phiên chợ giáp Tết Đinh Dậu.


Bất chấp cái buốt lạnh vùng cao, từ rạng sáng đồng bào ở các xã của huyện Mèo Vạc đã rảo bước xuống chợ huyện. Ai cũng muốn mua nhanh bán sớm để gặp mặt bạn bè người thân, sắm sửa đồ Tết. Tiếng bước chân. Tiếng đối đáp vội vàng của người đi chợ. Tiếng kêu của lợn, dê, bò… mà người vùng cao dắt xuống chợ. Tất cả những âm thanh hòa vào nhau tạo nên một không khí rất riêng của phiên chợ ở Mèo Vạc.


Phiên chợ hôm nay là một trong những phiên nhộn nhịp nhất trong năm. Hôm nay, việc đầu tiên mà đồng bào xuống chợ là tìm đến khu vàng mã. Do vậy, khu vàng mã tấp nập người mua bán hơn hẳn mọi phiên. Không mặc cả nhiều, việc mua bán được diễn ra rất nhanh gọn. Người Mông chiếm đa số ở Mèo Vạc và nhiều năm nay Tết nguyên đán đã trở thành Tết chính của đồng bào nơi đây.

Phiên chợ giáp Tết ở vùng cao Hà Giang có nhiều hàng hóa được bày bán để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: Đỗ Bình/TTXVN

Gần 70 tuổi, ông Ly Xía Chứ, người dân tộc Mông tại xã Pả Vi cho hay: Đi chợ phiên giáp Tết, đồng bào thường tìm mua hương vàng trước. Vào dịp Tết, người Mông thường cúng bái tổ tiên trong hai ngày. Chiều tối 30 tháng chạp, người Mông mổ gà cúng và mời ông bà tổ tiên về ăn tết. Cúng tổ tiên xong lấy một cọng lông của con gà đã cúng, gắn vào tờ vàng mã treo trên tường gần giữa nhà (đây là nơi thờ tổ tiên của người Mông). Người Mông cũng thắp hương cúng tổ tiên vào ngày đầu năm mới.


Là phiên chợ cuối năm nên phụ nữ vùng cao không thể bỏ qua các gian hàng quần áo truyền thống. Do Mèo Vạc tập trung rất đông người Mông sinh sống, nên khoảng 1/3 diện tích chợ Mèo Vạc được bố trí cho các gian bày bán quần áo người Mông. Cùng gia đình đi chợ từ rất sớm, chị Lư Thị Súng (xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc) háo hức nói: “Tết năm nay nhà mổ lợn nên có thịt rồi. Hôm nay gia đình tôi đi chợ sớm, tranh thủ chọn những bộ quần áo đẹp để đi chơi Tết.”


Tại các huyện vùng cao của Hà Giang, mỗi chợ phiên đều có một khoảng không riêng là nơi đồng bào gặp gỡ giao lưu kết bạn. Ở phiên chợ cuối năm của Mèo Vạc, khu đông vui náo nhiệt nhất là khu uống rượu. Không chỉ đàn ông mà cả đàn bà vùng cao cũng có mặt tại đây. Bên chén rượu, ông Vàng Chá Pó (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc) tâm sự, hôm nay ông đi chợ mua thịt về ăn Tết và không đi bán gì cả. Thỉnh thoảng đi chợ phiên ông mới vào uống rượu.


Hôm nay, ông và bạn bè rất vui khi gặp nhau tại phiên chợ cuối năm, vui hơn là được cùng nhau uống rượu, hỏi thăm nhau và nói về những chuyện đã qua. Ngồi chung bàn với ông Pó, bà Lầu Thị Dí (xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc) tươi cười nói: “Thi thoảng tôi mới đi chợ phiên. Hôm nay phiên cuối nên tôi đi từ sớm nhưng gặp bạn bè ngồi đây uống rượu hỏi han nhau, đến giờ vẫn chưa mua được gì”.


Chợ phiên Mèo Vạc họp hàng tuần vào sáng chủ nhật. Hôm nay là phiên chợ cuối năm, nhu cầu mua sắm nhiều nên chợ họp kéo dài đến 13 giờ.

Hồng Quảng (TTXVN)
Nét đẹp chợ phiên gia súc Xìn Mần, Hà Giang
Nét đẹp chợ phiên gia súc Xìn Mần, Hà Giang

Phiên chợ gia súc Cốc Pài của huyện Xín Mần là một nét văn hóa truyền thống của vùng cao, đồng thời cũng là một điểm sáng thu hút khách du lịch đến với Hà Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN