Nhớ cái Tết nơi địa đầu Tổ quốc

Người miền núi ở những vùng Tây Bắc của Tổ quốc đón cái Tết cổ truyền của dân tộc như một thứ nghi lễ, trong không khí trang trọng, thành kính và thiêng liêng. Người Lô Lô ở xóm Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang) là một trong những dân tộc ít người nhất tại Việt Nam, từ nhiều đời nay vốn định cư và sinh sống trên cao nguyên đá, như câu thơ “Sống trên đá chết vùi trong đá”. Rời phố lên rừng xem người Lô Lô đón Tết, để biết ở phía sau những dải núi dài trập trùng cuối chân trời có một tộc người đầy bản sắc tồn tại vững trãi hàng nghìn năm nơi địa đầu của Tổ quốc…

Ngược Tây Bắc…

Tôi bắt chuyến xe khách duy nhất trong ngày xuất phát từ bến xe thành phố Hà Giang đi Đồng Văn rồi trèo lên chiếc xe ôm cùng người lái xe, già nua và cũ kĩ tìm vào Lô Lô Chải. Bỏ lại sau lưng cái thành phố vùng cao ồn ào chẳng khác gì dưới xuôi mình, chiếc xe ậm ạch bắt đầu ù ì leo dốc. Hiện ra trước mắt con đường mảnh như sợi chỉ, ngoằn ngoèo lúc lên cao, khi xuống thấp. Một bên vách đá dựng đứng, một bên là miệng vực, chốc chốc lại hiện ra những chân ruộng bậc thang đã qua mùa thu hoạch, mềm mại như những xéo lụa xếp khéo, chỉ còn trơ lại những gốc rạ căm căm. Xe như trôi đi trong sương, qua nhiều núi đồi, qua những eo đèo trên cả ngoạn mục. Vượt qua quãng đường núi khoảng chừng 25 kilômét, xóm của dân tộc ít người nhất Việt Nam đã dần hiện ra trước mắt…

Sắc xanh mùa xuân Tây Bắc.

Cánh đồng Thèn Pả, cánh đồng duy nhất trên cao nguyên đá Đồng Văn, chiều cuối năm bình yên và ấm áp giữa bốn bề núi đá lởm chởm. Bản người Lô Lô sinh sống trên đó, bình yên trong khói lam chiều nhè nhẹ bốc lên từ những nếp nhà. Xóm Lô Lô Chải có 70 hộ dân sinh sống, trong những ngôi nhà trình tường: Nhà thấp, tường nện bằng đất và đá ong, lợp ngói âm dương hoặc bằng tranh rạ, mùa hè mát và mùa đông rất ấm. Hàng rào của những ngôi nhà đều được xếp bằng đá, bên trên có những bụi xương rồng gai hoa đỏ nhỏ li ti rất đẹp.

Trời rất lạnh, chỉ khoảng 5oC, nhưng không khí đã ngập tràn hương vị Tết. Người Lô Lô quan niệm khi bước sang năm mới trong nhà không chỉ có ngũ cốc, mà phải có nhiều củi và nước - biểu hiện một năm làm ăn sung túc. Từ hôm 28 - 29 tháng Chạp, mọi nhà đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ và đưa rác rưởi trong nhà ra các ngã ba, ngã tư đổ, với ý nghĩa tống khứ những rủi ro, uế tạp của năm cũ và chuẩn bị đón tài lộc năm mới. Chiều 30 Tết, theo phong tục, người Lô Lô thường tổ chức bữa cơm sum họp của cả nhà. Tất cả các thành viên trong gia đình đều được gia chủ tổ chức cúng sức khỏe, gọi hồn (hồn sống) về với ông bà, cha mẹ, vợ con, anh em sum họp đầy đủ để đón mừng năm mới. Đàn ông, con trai cúng bằng gà mái, đàn bà, con gái cúng bằng gà trống. Chiều 30 Tết là ngày "niêm phong" cho tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái rựa, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy quét màu vàng hay màu bạc để các vật này được "nghỉ Tết" và con người không được chạm đến hay di chuyển đi nơi khác.

Người Lô Lô vui hội mùa xuân.

Theo phong tục, người Lô Lô đón giao thừa bắt đầu từ tiếng gà gáy đầu tiên trong bản. Trước giao thừa, các cụ bà cùng trẻ em bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng và kể chuyện cổ tích râm ran; các cụ ông thì nhâm nhi chén rượu; thanh niên, thiếu nữ thì đi qua các nhà để xin lộc bằng cách “lấy trộm” vài thanh củi, mấy ngọn rau hay vài cành ngô khô đem về nhà. Khắp nơi hương khói, trong nhà đèn sáng tỏ, ngoài đường thắp lên những ngọn đuốc sáng rực. Thanh niên và trẻ con đổ ra các ngả đường và tập trung ở các sân chơi để chờ gà gáy sáng. Bất kể là gà nhà ai, miễn là ở trong làng có một con gà cất tiếng gáy đầu tiên là chủ gia đình gọi mọi người đón mừng năm mới. Chủ nhà thắp hương lên bàn thờ, quỳ lạy cúng khấn tổ tiên, mời các cụ trong dòng họ qua các đời về với con cháu ăn Tết. Trong gia đình cử người đi gánh nước, người thì cho lợn ăn, khua hết các con vật dậy, tiếng heo kêu, chó sủa, ngựa hí vang làm ầm ĩ, náo nhiệt cả làng…

Đi lấy may đêm giao thừa…

Đi hái lộc đêm Giao thừa là một phong tục đẹp có ở nhiều dân tộc trên khắp dải đất hình chữ S. Nhưng với người Lô Lô nơi địa đầu Tổ quốc, đi hái lộc trong giờ phút thiêng liêng khi đất trời chuyển giao thời khắc lại có nét đặc trưng riêng.

Ngôi nhà trình tường của anh Vàng Dỉnh Chung trông như một cái lô cốt được bao bọc bởi màn sương đặc quánh. Anh Chung khật khừ ra mở cửa cho khách vào nhà. Anh Chung cho biết, nhà người Lô Lô bao giờ cũng có hai cửa, một cửa chính chỉ mở ra vào buổi sáng rồi đóng lại, sinh hoạt trong ngày đi qua cánh cửa còn lại. Trên mỗi cánh cửa là những miếng bùa màu đỏ để trừ tà. Trên bàn thờ có “bánh chưng của người Lô Lô” (không phải là hình vuông mà là bánh dài như bánh tét ở miền Nam), có xôi nếp, rượu, và đặc biệt là những thanh gỗ nhỏ bằng ngón tay cái. Anh Chung giảng giải: “Đó là tổ tiên, là ông bà đã khuất. Trên đó có khắc hình người và tên từng người. Cứ mỗi một thanh tượng trưng cho một cụ…”.

Thiếu nữ Lô Lô.

Chị Vàng Thị Chiên, vợ anh Vàng Dỉnh Chung, dịu dàng tiếp lời chồng: “Với người Lô Lô, việc thờ cúng tổ tiên ngày Tết là phải làm thật chu đáo. Cứ mỗi thanh gỗ hình người biểu tượng cho một “cụ” là phải có một đôi bánh chưng dâng lên từ ngày 30 Tết. Mỗi hình người phải có một cái chén, một đôi đũa, hai chai rượu. Người khấn mời tổ tiên về ăn Tết không nhất thiết phải là ông chủ nhà mà ai cũng được, con trai, con dâu đều được hết, miễn là thuộc hết tên người đã khuất…”.

Với người Lô Lô, vui nhất là đi chơi đêm Giao thừa. Cụ thể là đi lấy may, lấy lộc đem về. “Đi lấy trộm của người khác ấy mà! Đi lấy may không lấy nhiều, không lấy những đồ vật có giá trị, chỉ là củ hành, củ tỏi, là cây rau, thanh củi nhỏ. Và đương nhiên là không lấy cái của gia đình mình…”, anh Chung giảng giải.

Người Lô Lô đinh ninh rằng trong thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, làm ăn phát đạt. Người Lô Lô ở Lũng Cú (Đồng Văn) lấy mỗi thứ 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Còn người Lô Lô ở Mèo Vạc lại chọn con số 3, hoặc là 3 củ hành, 3 củ tỏi, hoặc có thể là 3 lá rau… Trong cái lạnh tê người của đêm 30 Tết, tất thảy mọi người đều ra ngoài, với mong muốn mang về nhà mình một thứ gì đó của nhà người khác. Điều đặc biệt thú vị là người đi lấy may không đi công khai, họ cứ âm thầm lặng lẽ gặp người quen cũng không chào, không hỏi, coi như không quen biết, chẳng may bị chủ nhà bắt gặp cũng không bị trách móc.

Sáng mùng 1 Tết, con trai, con gái tỏa ra các ngả đường, ven sườn núi chơi xuân. Sương trắng lạnh buốt đã giăng lên những nóc nhà, những ngả đường, trên những cành mận, cành đào la đà cành nâu nụ biếc…

Linh Khanh- Minh Tập

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN