Nguy cơ mai một nghề đan lát của đồng bào Cờ Lao

Đã bao đời nay, nghề đan lát gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt và sản xuất của người Cờ Lao tại Hà Giang. Tuy nhiên, nghề truyền thống này đang đứng trước nguy cơ mai một.

Làng nghề đan lát xã Sính Lủng. Ảnh: baohagiang.vn

Tại Đồng Văn, nghề đan lát của dân tộc Cờ Lao chỉ còn duy nhất tại thôn Má Chề, xã Sính Lủng. Dù được tỉnh Hà Giang công nhận là làng nghề vào năm 2013 nhưng đến nay chỉ có 30 hộ gia đình tham gia làng nghề; trong đó khoảng 10 hộ có tay nghề vững vàng.

Nghề đan lát nơi đây có quy mô sản xuất nhỏ lẻ; sản phẩm làm ra chưa đa dạng, chủ yếu là các vật dụng như nong, nia, quẩy tấu (gùi), phên, cót… để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong huyện. Các hộ làm nghề vẫn còn nặng hình thức sản xuất tự cung tự cấp, do đó chưa hình thành sản xuất theo hướng hàng hóa.

Nghệ nhân và các lao động chưa sống được bằng nghề do thu nhập ít ỏi mà phải bỏ ra nhiều công sức. Cả thôn Má Chề còn 6 nghệ nhân có tay nghề cao nhưng việc truyền nghề lại chưa được tổ chức bài bản mà mới chỉ nằm trong định hướng của xã.

Ở tuổi 82, cụ Vần Phỏng Sài tại thôn Má Chề vẫn đau đáu chuyện truyền nghề cho con cháu. Cụ Sài cho hay, đan lát là nghề ngày xưa cha ông để lại, nay chỉ mong làm sao truyền lại nghề cho con cháu.

Lâu nay, các vật dụng đan lát luôn gắn liền với người Cờ Lao, đặc biệt là quẩy tấu - một vật dụng không thể thiếu của người vùng cao mỗi khi lên nương hay xuống chợ. Tới nay, mới có vài người học được cách đan quẩy tấu cụ Sài truyền dạy. Nghề đan lát thường làm lúc rảnh rỗi; vào những mùa hết tre, trúc thì rất ít người đan.

Vần Mí Dùng là cậu thanh niên hiếm hoi ở xã Sính Lủng thích thú với nghề đan lát. Dùng chia sẻ: Cũng biết đan lát là nghề của cha ông để lại, nhưng nghề này thu nhập không được là bao. Để đan được một vật dụng bằng tre rất tốn công và phải trải qua nhiều công đoạn. Một chiếc quẩy tấu thường phải đan trong vòng 3 ngày, nhưng giá chỉ khoảng 150.000 - 200.000 đồng/chiếc. Việc tiêu thụ các vật dụng đan được lại bấp bênh, nhiều lúc đem ra chợ phiên rất khó bán.

Bà Lục Thị Thu Nhâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn cho biết: Sau nhiều năm kêu gọi hỗ trợ phát triển làng nghề đan lát của đồng bào Cờ Lao, đến năm 2016 xã mới nhận được khoản hỗ trợ 60 triệu đồng. Xã đang xem xét sử dụng số tiền này vào ưu tiên giải quyết vấn đề nào trước, bởi việc phát triển làng nghề đan lát gặp rất nhiều khó khăn. Các sản phẩm đan lát được làm hoàn toàn thủ công nên quy trình sản xuất chậm.

Đến nay, vẫn chưa phát triển được vùng nguyên liệu trong khi nguồn tre, trúc tại chỗ luôn thiếu, nhiều lúc phải nhập từ nơi khác; do đó rất khó để phát triển sản xuất hàng hóa. Thời gian qua, xã Sính Lủng đã định hướng và khuyến khích các hộ thử nghiệm làm một số sản phẩm đan lát nhỏ phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, tình hình chưa mấy khả quan.

Hiện tại, vẫn chưa có mối liên kết được thiết lập để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm đan lát của đồng bào Cờ Lao tại xã Sính Lủng. Tuy nhiên, ghi nhận tại chợ Đồng Văn và một số cửa hàng lưu niệm trong huyện cho thấy, những sản phẩm đan lát truyền thống của người Cờ Lao đang phải cạnh tranh với một số vật dụng cùng loại từ nơi khác có giá cả mềm hơn.

Hồng Quảng (TTXVN)
Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cờ Lao
Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cờ Lao

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm chú trọng đầu tư cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc ở Hà Giang. Trong đó, đặc biệt tỉnh đã được đầu tư Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cờ Lao giai đoạn 2011- 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN