Nguy cơ đói nghèo ở nơi 'thừa điện, thiếu đất'

Thủy điện An Khê – Ka Nát, nằm trên địa bàn huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, có tổng công suất 173MW, sản lượng điện sản xuất hằng năm trung bình 694 triệu KWh. Công trình xây dựng từ tháng 11/2005 và đến nay đã có hai tổ máy đã phát điện. Thế nhưng, đến tận bây giờ vẫn còn hàng trăm hộ dân của các làng Krối 1 (xã Đăk Sma), làng Groi của thị trấn K’Bang và những làng bản lân cận vẫn chưa có đất để sản xuất khiến nguy cơ đói nghèo đang quay trở lại trên vùng đất “thừa điện, thiếu đất” này.

Để xây dựng Công trình Thủy điện An Khê – Ka Nát, UBND tỉnh Gia Lai, UBND huyện Kbang và Ban 7 đã thành lập các bộ phận chức năng, phối hợp thực hiện nhiệm vụ đền bù, giải phóng mặt bằng và tổ chức đưa bà con về nơi ở mới. Sau khi quy hoạch, tổng diện tích đất lòng hồ là 1.671ha, trong đó đất nông nghiệp 1.131,84ha; đất lâm nghiệp 231,78ha; đất ở 1,18ha, và các loại đất khác là 293,33ha.


Dù những làng tái định cư đã được đầu tư khang trang nhưng cuộc sống của người dân vẫn hết sức khó khăn vì thiếu đất sản xuất.


Tuyến đập và đất phụ trợ rộng hơn 387ha. Có hơn 1.160 hộ dân bị ảnh hưởng cuộc sống khi xây dựng công trình thủy điện này. Để thực hiện xây dựng công trình này, đã có hơn 345 hộ dân phải di dời, tái định cư. Theo quy hoạch tại 5 khu tái định canh trên địa bàn huyện Kbang, diện tích đất sản xuất được cấp lại cho các hộ từ 1,08ha đến 1,90ha/hộ.

Tuy nhiên, đến nay việc bố trí và cấp lại đất sản xuất cho bà con vẫn chưa đủ, một số diện tích đất đã cấp thì không đủ điều kiện để sản xuất như: Đất bạc màu, cằn cỗi không thể trồng hoa màu được. Nhiều nơi như: Làng Krối 1, xã Đăk Smar (đất nà thổ: 33,42ha, đất ruộng lúa nước 30,6ha); làng Groi, thị trấn Kbang (đất nà thổ: 81,78ha); làng Chợch, xã Lơ Ku (đất ruộng lúa nước 17,28ha) và làng Kbang, làng Krối 2, xã Lơ Ku (đất ruộng lúa nước 10,08ha) vẫn chưa được cấp lại.

Ông Đinh Danh làng Krối 1, xã Đăk Sma, huyện Kbang cho biết: “Trước đây, bà con người mình sinh sống, làm ăn rất thuận lợi, lại được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón… nên bà con hăng hái khai hoang đất trồng lúa, rồi trồng thêm bắp, mì… đời sống bà con ổn định. Trong làng đã có nhiều hộ giàu, trẻ em được đi học, làng quê thanh bình. Nay đất đai phần thì bị ngập trong lòng hồ thủy điện, phần còn lại bị bạc màu, cằn khô… đời sống bà con lại khó khăn trở lại rồi”.

Hay như tại khu làng tái định cư Groi cũng chung một thực trạng thiếu đất khi về nơi ở mới. Dù mọi thứ như điện, đường, trường, trạm đều được xây dựng đầy đủ, khang trang, nhưng do thiếu đất để canh tác nên cuộc sống của bà con nơi đây khó khăn hơn nơi ở cũ rất nhiều, dù nơi ở cũ nhà cựa, đường xá không được như nơi ở mới.

Anh Đinh Breng, làng Groi, xã Đăk Sma cho biết: “Bà con mình về đây sinh sống đã hơn 2 năm rồi. Những ngày đầu có tiền Nhà nước đền bù thì sống được, hơn một năm nay nhiều người thiếu đói do không có đất để canh tác, sản xuất. Ngày trước nhà mình có hơn 4ha đất trồng mì, gần 2ha đất trồng lúa, bắp... về đây chỉ được cấp hơn 1ha đất, lại xa nhà, đi làm khổ cực lắm, nhưng cuối vụ thu về chẳng được bao nhiêu”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đoàn Thanh Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện K’Bang (Gia Lai) cho biết: Mặc dù hiện nay toàn bộ diện tích đất ruộng lúa nước và đất nà thổ đều đã khai hoang xong, diện tích đã đủ nhưng vẫn còn vướng mắc. Vì vậy, đến bây giờ dù đất đã có nhưng vấn đề cấp đất cho bà con còn gặp rất nhiều khó khăn.

Một trong những khó khăn mà chính quyền huyện K’Bang đang phải đối mặt là hơn 431 ha đất của dân không có đường đi vào để canh tác, sản xuất do Thủy điện An Khê- Ka Nát chặn dòng làm ngập đường đi. Muốn canh tác được diện tích này, bà con phải mạo hiểm vượt qua lòng hồ bằng thuyền tự chế, hoặc đi đường vòng cách cả mấy chục cây số, nên toàn bộ diện tích này hầu như đều bỏ hoang. “Hiện, chính quyền huyện đã có kiến nghị thu hồi diện tích 431 ha này và thực hiện đền bù cho người dân. Còn diện tích được thu hồi này sẽ chuyển sang trồng rừng. Như vậy sẽ giải quyết dứt điểm được kiến nghị lâu nay của bà con”.

Hy vọng, Ban Quản lý dự án thủy điện An Khê – Ka Nát (Ban 7) sớm có phương án giải quyết những khó khăn, vướng mắc, sớm cấp đất cho người dân nơi đây có đất canh tác. Nếu không nguy cơ tái nghèo, bỏ làng di cư đến những nơi khác sinh sống là điều không thể tránh khỏi.


 

Bài, ảnh: Quang Thái




Cần giải quyết các vướng mắc trong tái định cư công trình thủy điện A Lưới

Các khu tái định cư thủy điện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) dành cho việc di dời 106 hộ dân thuộc 3 xã (Hồng Thượng, Hồng Thái và Sơn Thủy) bị ảnh hưởng thuộc khu vực lòng hồ đến sinh sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN