Người Mảng Lai Châu già đi vì hủ tục - Kỳ 1: Dân tộc lạc hậu

Tuổi thọ trung bình thấp, sự hiểu biết và sức khỏe của người dân không cao - đó là biểu hiện sự già hóa dân số của dân tộc Mảng này, đặt ra câu hỏi tộc người Mảng sẽ như thế nào trong khi vốn dĩ dân tộc này đã được xếp vào dân tộc thiểu số ít người đang được bảo tồn cấp Nhà nước.


Sống biệt lập


Thực hiện Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Mảng", đoàn cán bộ Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lai Châu tiến hành chuyến điền dã nghiên cứu văn hóa tại các bản cư trú của người Mảng. Tại trung tâm huyện Mường Tè trước khi đi, Tống Văn Kem là cán bộ văn hóa nói: Các anh, các chị bỏ lại hành lý hết, chỉ mang bộ quần áo trên người và phương tiện làm việc thôi, chứ mang nhiều thì không vào nổi bản của người Mảng đâu, ở đấy không đường, không điện, không trạm y tế... Mọi người chúng tôi răm rắp nghe lời, bỏ lại tất cả, chỉ mang máy ảnh, máy quay, cuốn sổ ghi chép theo. Quả đúng thật, đi xe máy đến trung tâm xã, một chiến sỹ biên phòng dẫn đường cuốc bộ cả ngày trời băng rừng, vượt núi. Hì hục mãi mới tới được đỉnh núi, Tống Văn Kem liền rút điện thoại di động ra và nói tranh thủ chỗ có sóng điện về cho vợ, chứ vào trong ấy thì mất liên lạc luôn.

 

Ngày nay tuy đời sống của người Mảng được nâng lên rất nhiều nhưng ở các bản vẫn có những ngôi nhà sập sệ thế này.


Vào tới đầu bản Nậm Nghẹ, xã Hua Bum (huyện Nậm Nhùn) buổi ngày vắng người, chỉ thấy mấy lớp học râm ran tiếng cô, trò đọc chữ. Thượng úy Giàng A Lử thuộc đội vận động quần chúng Đồn 305 phân giải: Ngày mùa bà con đi nương rẫy cả, chỉ có trẻ em ở nhà đi học thôi. Có gia đình thì tối về bản, có hộ thì ở lại lán nương luôn… Đi một vòng quanh bản cũng chỉ thấy mấy cụ già đang loay hoay bên vườn rau, hỏi thăm thì các cụ không biết tiếng phổ thông, chỉ nhìn khách lạ cười. Chập choạng tối, từ cụ già đến trẻ em đều kéo đến tổ công tác để xem ti vi, vì ở đây không có điện. Các chiến sĩ biên phòng vất vả mới tạo được máy phát điện nước để có điện phát ti vi cho bà con xem, mở mang văn hóa cho dân bản.

Dân tộc Mảng có dân số ít nhất trong 54 dân tộc Việt Nam, với hơn 3.500 người và chỉ có duy nhất ở huyện Mường Tè, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu). Họ sinh sống trên địa bàn có địa hình chia cắt, hiểm trở, cách biệt với các dân tộc khác trong vùng, vì vậy điều kiện sống còn nghèo nàn, lạc hậu. Cộng thêm những quan niệm, luật tục vốn có từ xa xưa, nên dân số người Mảng đã dần bị già hóa một cách nghiêm trọng.

Xem xong phim truyện, có chàng trai bảnh bao nhất ngồi lại trò chuyện với cán bộ biên phòng, tìm hiểu thì được biết, đó là Lò A Thương, phó công an xã. Thương quay sang hỏi tôi: Cán bộ vào bản mình khổ lắm à! chắc lần sau không dám vào đâu chứ? Bản mình nghèo, nhận thức của người dân thấp, những hủ tục còn nhiều, không sướng lên được, vào mùa giáp hạt thì chỉ có ăn sắn, ăn củ mài thay cơm, mỗi khi có mưa bão thì không ra được trung tâm xã, cả bản bị cô lập… Lò A Thương cũng cho chúng tôi biết, từ ngày xưa cho đến nay bản Nậm Nghẹ đã di dời ba lần rồi nhưng vẫn ở trong rừng sâu thế này. A Thương còn nói, Đảng và Nhà nước quan tâm cấp gạo cứu đói, bà con ra nhận xong bán rẻ lấy tiền mua thứ khác hay đổi rượu về uống thôi, chứ mang vào được tới nơi thì mệt lắm, đến mùa đói lại cứ hoàn đói…


Hai ngày sau, chúng tôi rời bản Nậm Nghẹ và đến bản Pa Cheo (xã Hua Bum) cũng mất nửa ngày đường đi bộ, lội suối Pa Cheo cũng “nhiều không”, vẫn nghèo đói và thiếu ăn. Về đến thị trấn huyện, nhóm đi bản người Mảng của xã Bum Nưa nhìn ai cũng tái xanh mặt vì đi cả ngày lội suối, leo dốc mới tới được bản người Mảng ở, vào rồi còn không có cái mà ăn.


Được một tháng sau, chúng tôi lại có chuyến vào xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn) là nơi đất tổ của người Mảng. Từ quốc lộ 4D rẽ vào, chúng tôi phải vững tay lái ngồi trên chiếc xe máy thiện chiến rừng núi, mất nửa buổi mới tới trung tâm xã. Nhìn đời sống, sinh hoạt của bà con thì tôi có cảm nhận riêng về người Mảng: ở đâu cũng vậy, dân tộc Mảng rất khổ và thiếu thốn, cư trú trong rừng sâu, giao thông đi lại rất khó khăn và hiểm trở… Đó là một trong những nguyên nhân sự nghèo đói, lại hậu của dân tộc này.


Thần thánh hóa vạn vật...


Về nhận thức, người Mảng tồn tại trong sự chi phối ghê gớm của các thế lực siêu nhiên (ma, quỷ). Theo họ cái gì cũng có ma, từ sông, suối, đất đá, cỏ cây, muông thú đều có ma. Vì vậy, trong cuộc sống họ kiêng đủ thứ và coi trọng thầy mo để cúng làm phép đuổi tà ma ra khỏi thân thể người, ra khỏi gia đình và làng bản. Theo kết quả điều tra của Đề án do Hội văn học tỉnh Lai Châu thực hiện, có 400 người được hỏi quý trọng ai nhất thì có hơn 50% trả lời là quý trọng thầy mo.

 

Người Mảng coi trọng hủ tục thần thánh hóa để cúng bái, gọi hồn, chữa bệnh… rất tốn kém mà không hiệu quả.


Tại bản Pa Cheo (xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn) tôi gặp thầy cúng Lò A Sơm, 65 tuổi. Ông là thầy cúng lâu năm trong bản và cao tay. Theo thầy Sơn thì hiện nay người Mảng vẫn tổ chức lễ cầu phúc cầu thọ, cúng ma nhà, cúng bên ngoại, cúng hồn lúa, cúng ốm đau, đám tang, đám cưới theo nghi lễ truyền thống. Theo họ "Trời cho người mới xuống thay thế người cũ" - phải làm lễ tạ ơn trời và nhập họ đặt tên cho nó để trời biết; phải làm lễ cầu xin tổ tiên cho nhập họ và che chở bảo vệ cho người mới (cháu chắt) của mình; thực hiện nghi lễ cúng cầu xin thần núi, thần sông, thần lúa cho người mẹ sữa để nuôi nấng những đứa trẻ lớn lên… Một dân tộc đã nghèo, thì lại càng sinh ra nhiều tục lệ, nhiều lễ cúng gây tổn hao về kinh tế và thời gian nên càng nghèo.


Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, tỷ lệ đói nghèo của người Mảng cao, ít người học lên cao và đi công tác ở nơi khác. Tính đến thời điểm cuối năm 2011, cả tỉnh có 540 hộ gia đình người Mảng thì có đến 529 hộ nghèo. Dễ hiểu vì người Mảng đã sống quá lâu ở một địa bàn, đất nương bạc màu, đất ruộng hạn hẹp, tài nguyên rừng đã bị tàn phá kiệt quệ. Người Mảng chủ yếu làm nương, sang năm thứ tư thì đất đã bạc màu, năng suất thấp nhưng người dân lại không chịu đi khai hoang nương ở nơi mới…


Việt Hoàng


Kỳ 2: Hôn nhân cận huyết và hệ lụy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN