Người giàu "cái chữ" nhất Chư Mố - Gia Lai

Đó là bà Rmah H'Yoan - người dân tộc J'rai ở làng Ma Lim thuộc xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai). Nhà bà có 7 người con thì 4 người đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng sư phạm.


Rmah Kuar - người con đầu hiện đang là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học K'pă K'lơng ở xã Ia K'Dăm. "Đứa thứ 2" Rmah Kơ Mlá dạy học ở Trường PTTH Dân tộc nội trú tỉnh. Con thứ ba của bà là Rmah Kơ Nhí dạy ở Trường THCS xã Ia Tul và con thứ tư là Rmah Khuit dạy ở Trường Tiểu học xã Ia Hao. Còn lại 3 đứa sau cũng đều được học hết PTTH và đã trưởng thành.

Từ bếp lửa này, bà Rmah H’Yoan đã nuôi các con trưởng thành. Ảnh: Đức Phương


Kinh tế nhà bà Rmah H'Yoan cũng chẳng khá giả hơn so với nhiều gia đình khác trong làng, cái khác là cách nghĩ của vợ chồng bà. Ông bà đều cho rằng "cái chữ là quyết định toàn bộ đến cuộc sống, có cái chữ là có kiến thức mà có kiến thức thì mới biết cách làm ăn hiệu quả được...". Từ suy nghĩ đó mà vợ chồng bà chịu khó, chịu khổ ngày đêm với công việc đồng áng, làm cật lực hết năm này sang năm khác để có tiền cho con ăn học


Cả nhà có cả thảy 9 miệng ăn mà chỉ có 1 ha đất rẫy và 3 sào ruộng nước, lượng lương thực thu hoạch hàng năm cũng chỉ đủ cái ăn cho cả nhà. Bà không dám sử dụng hạt lúa vào việc làm nhiều ghè rượu, không dám mổ thịt con heo, con bò để cúng "Yàng" trong các ngày lễ hội mà tất cả tập trung lo cho con ăn học.

Ngoài thời vụ gieo trồng, vợ chồng bà cũng phải tìm kiếm việc làm thêm như đi làm thuê, học cách buôn bán hàng rau quả, mò con cua, bắt con ốc trên các con suối đem ra chợ bán... để có thêm nguồn thu cho gia đình


Khó khăn nhất là thời gian cả 4 con theo học đại học, cao đẳng ở tận TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, vợ chồng bà phải chắt chiu từng đồng gửi cho con. Có thời điểm quá túng thiếu, không còn tiền để gửi cho con thì bà lặng lẽ vay mượn những hộ khá trong dòng tộc rồi trả sau. Việc làm này cũng chỉ mình vợ chồng bà biết vì sợ con cái sao nhãng chuyện học hành.

Bà Rmah H'Yoan tâm sự: Đời mình khổ nhiều rồi vì trước đây không có điều kiện theo học cái chữ, bây giờ đừng để cho con cháu mình phải theo cái cảnh nghèo đói này nữa. Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm chăm lo và tạo mọi thuận lợi thì hà cớ gì để cho con em mình mù chữ...

Vợ chồng bà Rmah H'Yoan khổ nhưng mà rất vui và hạnh phúc khi nhìn thấy những đứa con, đứa cháu của mình đều ham học và học giỏi. Ngày thì các con đến trường học, thời gian rảnh rỗi thì ở nhà giúp đỡ cha mẹ được nhiều việc, lúc thì ra đồng chăm sóc cho lúa, lúc thì chăn dắt con trâu, con bò và đỡ đần cho cha mẹ khi ốm đau, mệt nhọc...


Tối thì mỗi đứa lại một góc nhà sàn dưới ánh đèn dầu học bài, đứa lớn bày cho đứa nhỏ và cùng bảo ban nhau học cho thật tốt để khỏi phụ lòng cha mẹ. Đường sá trong xã, trong làng lại khó đi, mùa mưa thì lầy lội trơn trượt, còn mùa nắng gió thì bụi bốc lên mù mịt; thế nhưng các con của bà luôn bám trường, bám lớp không bỏ học một buổi nào.


là những năm theo học lên bậc PTTH ở trường huyện, không có xe, phải đi bộ mất hơn cả giờ đồng hồ mà chẳng đứa nào nản chí cả. Trong khi đó rất nhiều đứa cùng tuổi trong làng phải nghỉ học và ở nhà "bắt vợ, bắt chồng", bởi không chịu được cảnh đi học xa xôi và khổ cực như vậy.

Bây giờ, vợ chồng bà Rmah H'Yoan đã nhàn hơn nhiều rồi, các con đều đã nên người và xây dựng được cuộc sống ấm no hạnh phúc. Vợ chồng bà có quyền tự hào về các con. Bà con trong làng, trong xã coi gia đình bà như một tấm gương sáng để học tập và noi theo.

Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN