Người Dao Hoành Bồ có việc làm nhờ chương trình OCOP về bản

Xã Quảng La là trung tâm của cụm 4 xã dân tộc, miền núi của huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh). Năm 2016, Quảng La đã đạt chuẩn nông thôn mới và trở thành điểm sáng của Quảng Ninh trong chương trình mỗi xã phường một sản phẩm nông nghiệp (OCOP) kết hợp xây dựng nông thôn mới.

Theo chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Quảng Ninh, nhân dân thôn 6, xã Quảng La (chủ yếu là người dân tộc Dao) đã hợp tác, thành lập Hợp tác xã Nông Dược xanh tinh hoa vào tháng 8/2015 để thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Thiên đường hoa Quảng La với quy mô gần 24ha.


Mục tiêu của chương trình là phát triển trồng cây dược liệu, cây ăn quả, cây hoa, cây màu kết hợp du lịch sinh thái, giáo dục thực nghiệm trên cơ sở phát huy lợi thế về cảnh quan, văn hóa các dân tộc bản địa tại cụm 4 xã phía Tây của huyện Hoành Bồ và kết nối với Khu Bảo tồn bản văn hoá người Dao Thanh Y, xã Bằng Cả, Trung tâm trồng hoa thôn Đồng Ho, xã Sơn Dương... Qua đó tạo sự thu hút cho khách du lịch góp phần thúc đẩy phát triển du lịch huyện Hoành Bồ nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Cam Vạn Yên quả - sản phẩm mang nhãn hiệu OCOP được người tiêu dùng ở địa phương ưa chuộng. Ảnh: Văn Đức/TTXVN

Ngay sau khi được huyện giao đất tháng 8/2015, Hợp tác xã đã nhanh chóng xây dựng nhà xưởng và đầu tư thiết bị sơ chế biến dược liệu. Hiện nay hợp tác xã đã đầu tư trên 20 tỷ đồng, trong đó vay tín dụng 2,5 tỷ đồng, nhà nước hỗ trợ trên 1 tỷ đồng theo chương trình OCOP.


Ông Phạm Thanh Phong, Giám đốc Hợp tác xã Nông Dược xanh tinh hoa cho biết, tham gia chương trình OCOP, hợp tác xã được hưởng nhiều ưu đãi về vốn, mặt bằng, kỹ thuật nên nhờ đó rất nhanh chóng nhiều sản phẩm dược liệu, nông sản của hợp tác xã đã có chỗ đứng trên thị trường. Hơn nữa, OCOP cũng góp phần nâng cao kiến thức, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, biết làm ăn kinh tế cho người dân tộc thiểu số nói chung và người Dao ở Quảng La nói riêng. Nhiều người dân tộc đã tự trồng cây dược liệu, tạo thành vùng nguyên liệu cung cấp cho hợp tác xã.


Những lao động của hợp tác xã là người dân tộc Dao ở ở thôn 6, xã Quảng La như chị Dương Thị Thu Hương và Đặng Thị Trang đều hài lòng với công việc của mình. Chị Trang cho biết, công việc của các chị hàng ngày là rẫy cỏ, trồng và chăm sóc hoa, chăm sóc cây dược liệu không quá vất vả. Ngày làm việc đủ 8 tiếng và mức thu nhập khoảng 3,5 – 4 triệu đồng/tháng. Mức lương đối với người dân tộc Dao như vậy là khá ổn định, đủ chi tiêu cho gia đình.


Chỉ hơn một năm tham gia chương trình OCOP, khu du lịch sinh thái Thiên đường hoa Quảng La của hợp tác xã đã trở thành điểm du lịch, mua sắm hàng nông sản nổi tiếng của huyện miền núi Hoành Bồ.


Một năm qua, khu du lịch này đã đón trên 1,2 lượt vạn khách trong và ngoài tỉnh, trong đó có 21 đoàn Trường học đến thực nghiệm giáo dục. Nơi đây, đang dần hình thành các khu vực trồng trọt (cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán), khu vực cánh đồng hoa đa sắc, khu vực cảnh quan: Hồ trái tim, Suối cảnh quan, Cà phê trên cây, Nhà hàng cây cọ, Vườn lan trung tâm, hệ thống nhà lưới trồng hoa cao cấp. Khu Xưởng sơ chế biến dược liệu, trang trại giáo dục kết hợp khu vực chăn nuôi, nuôi giun quế...


Các sản phẩm của hợp tác xã Nông Dược xanh tinh hoa giờ trở thành những sản phẩm OCOP Quảng Ninh được ưa chuộng trên thị trường như: dược liệu như Kim tiền thảo, Trinh nữ hoàng cung, Cà gai leo, Nhân trần, Bồ Công anh, hay thực phẩm chức năng như tinh dầu bạc hà, tinh dầu sả chanh và thực phẩm dưỡng sinh như bún dược liệu, tinh bột nghê... Tới đây, hợp tác xã đang tập trung đầu tư hàng loạt các loại cây ăn quả và hoa nhiệt đới, á nhiệt đới và gia súc gia cầm đặc thù của huyện miền núi Hoành Bồ như lợn rừng, gà 6 cựa, chim công...


Theo Giám đốc hợp tác xã Pham Thanh Phong, lợi ích của dự án không chỉ đem lại kinh tế cho đồng bào dân tộc mà còn góp phần từng bước bảo tồn nguồn gen và các tri thức bản địa về cây thuốc của đồng bào các dân tộc huyện Hoành Bồ, góp phần bảo vệ rừng đầu nguồn hồ Yên Lập cung cấp nước ngọt cho thành phố Hạ Long, Uông Bí và thị xã Quảng Yên.


Không chỉ người dân, doanh nghiệp ở Quảng La tham gia tích cực chương trình OCOP, mà toàn huyện Hoành Bồ đến nay đã có 06 doanh nghiệp tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP với tổng nguồn vốn tham gia thực hiện là 58 tỷ đồng. Nhờ vậy, Hoành Bồ giờ đã có 4/19 sản phẩm OCOP đạt hạng sao (trứng gà, rượu Bâu, trà nhúng linh chi và nấm nhĩ đen), còn 15 sản phẩm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và đăng ký vào những năm sau.


Phần lớn các doanh nghiệp và hợp tác xã sản xuất các sản phẩm OCOP ở Hoành Bồ đều là những doanh nghiệp cộng đồng với sự tham gia thành viên là những người nông dân trên địa bàn huyện hoặc có sự liên kết, hỗ trợ sản xuất giữa doanh nghiệp với các hộ dân của địa phương.


Các doanh nghiệp và hợp tác xã trên đều do chính người dân địa phương bàn bạc, thống nhất thành lập, cùng xây dựng kế hoạch và trực tiếp tổ chức sản xuất, các thành viên tham gia 100% là người địa phương, trong đó các thành viên của Công ty cổ phần phát triển các sản phẩm truyền thống Bằng Cả và hợp tác Quế Sơn Đồng Sơn 100% là người dân tộc Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán.


Giờ đây, các sản phẩm truyền thống lâu đời nhất của Hoành Bồ đã trở thành hàng hóa được ưa chuộng trên thị trường. Đây là sự thành công nhất mà chương trình mỗi xã phường một sản phẩm Quảng Ninh đem lại cho người nhân dân các dân tộc huyện Hoành Bồ.

Văn Đức (TTXVN)
Đưa bản người Dao Đá Cạn thoát nghèo
Đưa bản người Dao Đá Cạn thoát nghèo

Bản người Dao Đá Cạn, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ hôm nay đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, ước vọng về cuộc sống sung túc của người dân nơi đây vẫn còn dang dở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN