Người Bí thư Đảng ủy xã mang quân hàm xanh

Xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang là một địa bàn vùng cao biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng. Nếu trước năm 2007, cuộc sống của người dân còn nhiều bấp bênh, tỷ lệ đói nghèo của nhân dân trong xã chiếm tới gần 50%, thì đến nay, xã Thị Hoa đã có nhiều khởi sắc, đời sống của bà con khởi sắc từng ngày, đặc biệt tỷ lệ đói nghèo đã giảm mạnh xuống còn 21%... Trong sự đổi thay ấy có công của thiếu tá Lê Văn Sơn, cán bộ biên phòng được giao nhiệm vụ về tăng cường tại xã và được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã vào tháng 6/2007. 

Bác sỹ vùng cao-Ảnh internet


Với nhiều năm công tác ở đồn Biên phòng Thị Hoa, cùng những kinh nghiệm có được, trong nhiệm vụ mới, Bí thư Lê Văn Sơn đã tranh thủ tiếp xúc với các đảng viên trong xã, lắng nghe ý kiến của họ, đồng thời gặp gỡ và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân. Qua đó, anh đưa ra các giải pháp lãnh đạo và quản lý để xã xóa đói, giảm nghèo, xây dựng vùng biên hòa bình hữu nghị, thân thiện, cùng phát triển kinh tế. Cũng qua những lần đi thực tế, anh nhận thấy đời sống của nhân dân nơi đây vẫn còn nghèo, các chi bộ Đảng chưa phát huy được vai trò của mình. Điều này khiến anh bao đêm trăn trở. Và cứ vậy, ngày đi thực tế, đêm về người Bí thư Đảng ủy lại suy nghĩ ra những hướng đi cho công tác chỉ đạo. Đó cũng là bước đi đầu tiên quyết định cho những thành công sau này.

Bằng giọng nói rất đỗi chân thật, anh Sơn tâm sự: "Khi được giao giữ chức Bí thư Đảng ủy xã, bản thân tôi cũng hết sức lo lắng, bởi từ trước đến nay mình được đào tạo chỉ toàn kiến thức để làm nhiệm vụ của bộ đội biên phòng, chứ có biết gì về kinh tế đâu. Nhưng đã nhận nhiệm vụ là phải hoàn thành. Tôi xác định, không biết thì học, vừa học vừa đi thâm nhập địa bàn và gặp gỡ bà con, cũng như là nắm bắt tình hình điều kiện của xã. Tôi có rất nhiều điều trăn trở mong muốn phải làm thế nào để xây dựng được chi bộ Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, đồng thời, phải chỉ đạo, giúp đỡ xã làm tốt công tác phát triển kinh tế”.

Sau khi các chi bộ đã hoạt động quy củ, với tư cách là Bí thư Đảng ủy xã, anh Sơn đã gấp rút triển khai nhiều cuộc họp bàn với các đảng viên trong xã. Anh đã đưa ra nhiều ý kiến chỉ đạo và lắng nghe các ý kiến đóng góp nhằm tìm ra một cơ chế chính sách giúp cho việc phát triển kinh tế của các hộ dân nơi đây. Với những kiến thức học hỏi được, anh biết vùng đất và khí hậu nơi này rất thích hợp với cây mía. Bởi vậy anh đã cùng cán bộ địa chính xã, hội nông dân, hội phụ nữ, các đơn vị chức năng và cán bộ biên phòng vạch ra những biện pháp cụ thể, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai hoang đất trống, tạo tiền đề cho việc trồng mía nguyên liệu sau này của bà con. Từ bước đi đầu tiên đó, giờ đây, xã đã bạt ngàn màu xanh của cây mía.

Vụ mía đầu tiên thu hoạch đem lại nguồn vui lớn cho mọi người. Lo được nơi tiêu thụ mía cho bà con, anh Sơn lại cùng cán bộ xã tìm cách hướng dẫn cho bà con tạo giống mía cho vụ mía mới. Anh thường xuyên có mặt tại nơi thu hoạch, hướng dẫn bà con cách chặt mía sao cho vừa không lãng phí vừa để lại làm giống... Anh cũng đã hướng dẫn cho bà con biết cách tập trung đổi công cho nhau để khai thác mía vừa có hiệu quả vừa đúng tiến độ. Chị Đàm Thị Nố, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thị Hoa cho biết: “Từ khi có chủ trương của Đảng ủy xã, việc trồng mía đã được triển khai tới từng hộ dân, được bà con trong xã hưởng ứng nhiệt tình. Vụ mía đầu tiên thắng lợi ngoài dự kiến, bà con càng thêm tin vào chủ trương của Đảng ủy và chính quyền xã. Đến nay, nhờ cây mía, nhiều gia đình đã thoát khỏi đói nghèo và từng bước có tích lũy”.

Từ khi có cây mía, tư duy về làm ăn kinh tế của bà con trong vùng cũng đã thay đổi. Nhờ cây mía, anh Nông Văn Dũng ở xóm Cốc Nhan đã có một cuộc sống dư dả. Anh hồ hởi kể: "Trước đây, gia đình tôi cũng theo phương thức truyền thống là trồng ngô. Nhờ sự quan tâm của Đảng ủy và chính quyền xã, gia đình tôi đã chuyển sang trồng mía. Năm nay, gia đình có thu nhập từ trồng mía khoảng 40 triệu đồng/vụ. Chắc chắn trong năm tới, gia đình tôi tiếp tục nhân rộng hơn để kinh tế phát triển".

Khi đời sống kinh tế đã ổn định, bà con có điều kiện trao đổi những kinh nghiệm làm ăn và sinh hoạt văn hóa. Mỗi dịp như vậy, Bí thư Lê Văn Sơn lại có thêm cơ hội gặp gỡ bà con các xóm để phổ biến kiến thức khoa học, các chủ trương chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Với Bí thư Sơn, phần thưởng lớn nhất không chỉ là những tấm bằng khen mà còn là sự tin yêu của nhân dân, sự tín nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền nhân dân. Chính những điều đó luôn thôi thúc anh phải cố gắng hơn, năng động hơn trong công việc.

Hướng đi mạnh dạn của một Bí thư Đảng ủy xã - người đầu tiên của lực lượng bộ đội biên phòng Cao Bằng kiêm nhiệm chức Bí thư Đảng ủy một xã với sự năng động sáng tạo và đầy nhiệt tâm đã làm thay đổi dần đời sống ở Thị Hoa hôm nay. Xã biên giới khó khăn và xa xôi Thị Hoa đang có thêm một vận hội mới để phát triển kinh tế. Phía sau sự thay đổi đó là sự nỗ lực hết mình của một người lính biên phòng đã góp phần làm cho sắc cờ Tổ quốc rực rỡ hơn trên mảnh đất này.

Cao Bắc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN