Nghị quyết 30a góp phần thay đổi diện mạo vùng Tây Bắc

Việc triển khai Nghị quyết 30a/CP của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trên cả nước, đã góp phần đẩy nhanh việc xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng biên giới. Tây Bắc là một trong những vùng đã chỉ đạo quyết liệt, vận dụng sáng tạo quá trình thực hiện chương trình, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.


 

Đầu tư cơ sở hạ tầng tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho các huyện nghèo.

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 30a, bà con các dân tộc ở 5 huyện nghèo của tỉnh Sơn La được thụ hưởng chính sách gồm: Quỳnh Nhai, Phù Yên, Sốp Cộp, Bắc Yên, Mường La đều rất phấn khởi. Vùng đồng bào dân tộc và miền núi của Sơn La được thay da đổi thịt.

 

Nhiều khởi sắc


Trao đổi với chúng tôi về việc triển khai thực hiện Chương trình 30a trên địa bàn tỉnh những năm qua, bà Điêu Thị Duy, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Sơn La, cho biết: Kết quả nổi bật là tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện này đều giảm nhanh. Cuối năm 2011, kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo, tỷ lệ giảm nghèo của các huyện này cho thấy tỷ lệ giảm bình quân là 9,48%, trong khi tỷ lệ giảm nghèo bình quân chung toàn tỉnh là trên 4%. Ðiều phấn khởi hơn là đi đến bất cứ vùng khó khăn nào, hỏi đến Chương trình 30a, bà con đều biết và bày tỏ tin tưởng vào sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước.


 

Ngôi nhà 167 đảm bảo “3 cứng”.

 

Kết quả rà soát ở 5 huyện nghèo của tỉnh Sơn La có hơn 75.600 hộ (chiếm hơn 30% số hộ của tỉnh), ở 1.045 bản, tiểu khu được thụ hưởng chương trình, trong đó có 415 bản đặc biệt khó khăn thuộc 78 xã. Các vùng này đều rất nghèo, đi lại khó khăn, địa hình chia cắt, núi cao, đất dốc, đời sống bà con thu nhập ở mức thấp hơn so với bình quân toàn tỉnh. Cùng với Chương trình 30a của Chính phủ, bằng nguồn ngân sách địa phương, tỉnh cũng đang thực hiện chính sách hỗ trợ cho 1.005 bản, thuộc 85 xã đặc biệt khó khăn.


Ngược dòng sông Mã, chúng tôi đến huyện vùng cao Sốp Cộp, nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Ông Thào Xuân Lếnh, Phó Chủ tịch huyện Sốp Cộp cho biết: “Chương trình 30a như nước dòng sông Mã làm cho mảnh đất, cây cỏ ở vùng cao Sốp Cộp tốt tươi, cây ngô thêm bắp, nhiều đất hoang trở thành ruộng, cây lúa thêm trĩu bông, đời sống của bà con được cải thiện.

 


Hỗ trợ khai hoang, phục hóa để xóa đói.

Hơn 3 năm qua, huyện Sốp Cộp đã tích cực hỗ trợ sản xuất và cho vay vốn để phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các mô hình sản xuất… Chương trình 30a đã hỗ trợ 3 tỷ đồng cho việc khai hoang, phục hóa và cải tạo ruộng bậc thang được hơn 505 ha. Ðối với huyện nghèo vùng cao còn nhiều khó khăn này, hỗ trợ lương thực cũng cần thiết, nhưng giúp bà con khai hoang được ruộng bậc thang và ruộng nước thì hiệu quả sẽ lớn hơn”.


Ðến xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp, chúng tôi chứng kiến bà con ở đây được hỗ trợ nuôi cá lồng, nuôi bò. Còn xã Mường Lạn có hàng chục hộ nuôi gà theo mô hình trang trại. Đến nay xã này đã có gần 30 hộ gia đình nuôi gà hàng hóa có lãi. Theo lãnh đạo huyện Sốp Cộp thì đây là chủ trương của huyện nhằm khuyến khích bà con phát triển nghề.

 

Vẫn cần nỗ lực


Kết quả thực hiện Chương trình 30a ở Sơn La rất khích lệ, song cũng còn một số chương trình, một vài địa phương thực hiện chưa tốt, trong đó công tác đầu tư hạ tầng các bản, xã nghèo còn dàn trải, nhiều công trình đầu tư kéo dài, chưa hiệu quả. Kết quả 3 năm (2009 - 2011), trong tổng số 358 công trình, với tổng mức đầu tư 1.056 tỷ đồng, mới có 119 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, đạt 33,2%. Trong 6 tháng đầu năm 2012, lãnh đạo các địa phương đã đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng 138 công trình chuyển tiếp năm 2011 và công trình tiếp tục được đầu tư năm 2012, với tổng kinh phí trên 93 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ đạt 49%. Một trong những tồn tại của việc đầu tư hạ tầng ở các huyện nghèo là không tính toán kỹ việc lồng ghép các dự án, đồng thời kéo dài thời gian dẫn đến tình trạng chắp vá, hiệu quả xã hội không cao. Mặt khác, do thiếu vốn, địa hình chia cắt, thời tiết khắc nghiệt nên rất khó đẩy nhanh tiến độ các dự án.


Chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ xuất khẩu lao động chưa đạt yêu cầu đề ra. Nguồn vốn được phân về trường trung cấp nghề tỉnh, trung tâm dạy nghề các huyện, nhưng việc lựa chọn người tham gia, tổ chức lớp học, nội dung dạy nghề lại chưa sát thực tế. Việc chuyển giao kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư có nơi đào tạo xong, nhưng người dân không áp dụng được. Hiện tỉnh Sơn La đang tập trung rà soát lại toàn bộ các chỉ tiêu, chương trình, dự án, nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.


Ðể Chương trình 30a đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, Sơn La đã đề nghị với Trung ương quan tâm đến hộ cận nghèo, hỗ trợ bằng 50% định mức, nhằm bảo đảm công bằng trong mặt bằng chung thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Quan tâm nâng mức hỗ trợ đối với hộ nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng, khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang. Nâng thời hạn cho vay và tăng mức cho vay đối với các hộ nghèo vay vốn chăn nuôi gia súc, phát triển ngành nghề thủ công.

Bài và ảnh: Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN