Nghề nuôi dông - Đầu tư thấp, thu nhập cao

Con nhông cát (hay còn gọi là con dông) là động vật sống hoang dã, thích nghi với vùng đất cát hoang mạc. Tại Bình Thuận, con dông đào hang sống trong những đồi cát, động cát ven biển ở các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Phan Thiết, tập trung nhiều nhất ở khu vực đồi cát ven biển Mũi Né, Thiện Nghiệp, Hòa Thắng, Hồng Phong... đang phát triển các khu du lịch biển.

Nuôi dông mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Ảnh: Tấn Hùng


Khi du lịch ở Bình Thuận phát triển, du khách về đây ngoài những món ăn hải sản làm từ tôm, cua, ghẹ, cá, nghêu, sò, ốc... , còn được thưởng thức món ăn đặc trưng của vùng gió, cát là thịt con dông. Thịt dông được chế biến nhiều món, từ dông nấu cháo đến dông nướng sả ớt, dông trộn lá me, dông xào lăn, nướng mọi... Từ năm 2005 trở về trước, con dông được chế biến dùng trong bữa cơm của những gia đình nông dân nghèo ở vùng nhiều nắng, thiếu mưa. Khi trở thành món ăn đặc sản vùng cát, con dông ở Bình Thuận dần dần chiếm được vị thế của mình, vào thời điểm này, giá dông không dưới 250.000 đồng/kg. Chính vì thế, nguồn dông tự nhiên cũng dần dần bị cạn kiệt.

Việc đào, bẫy để bắt dông hiện nay chưa có ngành chức năng nào nghiêm cấm, nhưng nhu cầu của xã hội ngày một tăng nên nhiều người đã nghĩ đến việc nuôi dông. Họ nắm bắt được đặc tính của con dông là dễ nuôi, tự rời hang đi kiếm côn trùng, các loại phế phụ phẩm nông nghiệp, rau cỏ... để ăn. Vào mùa mưa khoảng tháng 5, tháng 6 thì dông đẻ, thời gian sinh trưởng nhanh, khoảng 7 - 8 tháng tuổi thì dông đạt trọng lượng 0,3 - 0,5 kg/con và có thể xuất bán.

Nhưng nuôi dông phải rào chắn xung quanh và đất không ứ đọng nước, độ ẩm thích hợp để dông sống thích nghi và không bị thất thoát. Anh Đặng Anh Việt, hộ nuôi dông ở xã Hồng Liêm (huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết, anh thả nuôi khoảng 100 kg dông giống trong phạm vi khoảng 1.000 m2 đất trong vườn, sau hơn 7 tháng nuôi dông đạt trọng lượng 300 – 400 g/con, bán với giá 200.000 – 250.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí anh còn lãi gần 30 triệu đồng.

Với anh, những vùng khác cũng có thể nuôi được dông, nhưng phải rào chắn và đổ cát để dông đào hang tạo môi trường sống thích hợp. Chi phí ban đầu tuy có cao hơn nuôi ở vùng đất cát tự nhiên, nhưng chỉ sau một năm có thể thu hồi vốn và có lãi chút đỉnh, những năm sau thu nhập cao hơn.

Từ một vài hộ tận dụng đất vườn đầu tư rào chắn, khoanh nuôi thử nghiệm, đến nay, diện tích nuôi dông ở Bình Thuận đã được mở ra hàng chục ha, tập trung nhiều nhất tại các xã Hòa Thắng, xã Hồng Phong... ở huyện Bắc Bình.

Có thể nói con dông là đặc sản của vùng gió cát, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, thời gian gần đây, nghề nuôi dông đang phát triển mạnh ở những vùng đất cát ven biển như ở xã Tiến Thành (TP Phan Thiết), nhiều hộ nông dân đang đổ xô nuôi dông.

Nuôi dông hiện nay là một nghề mới ở Bình Thuận, nhưng người dân vẫn chỉ tự học nhau để làm. Người nông dân ở vùng gió cát Bình Thuận đang rất cần ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật, giúp họ thoát được nghèo và vươn lên làm giàu từ con dông, từng bước đưa nghề nuôi dông phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Tấn Hùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN