Nàng Han trong đời sống tâm linh của các dân tộc Tây Bắc

Tôn sùng Nàng Han như một vị thần che chở, bảo vệ cho muôn dân, cho bản mường thì bất kể người Thái, người Mông, người Dao, người Lự, người Khơ Mú... đều giống nhau. Thờ cúng Nàng Han là một trong những ngày lễ hội quan trọng của Mường.


Trong tâm thức của mỗi người dân tộc Tây Bắc xưa và nay Nàng Han là niềm tự hào, là hiện thân của khát vọng hòa bình.


Kính phục Nàng Han như một vị tướng anh hùng của dân tộc và lập miếu đứng chủ lễ cúng tế thì chỉ có hai dân tộc: Dân tộc Thái và dân tộc Khơ Mú. Theo tâm linh, Nàng ở đây chỉ người đã chết rồi nhưng là người con gái tài năng, dũng cảm phi thường; có công lao lớn trong lịch sử dựng bản, lập mường hoặc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Nàng Han được hiểu với ý nghĩa như vậy.


Dân bản xã Mường So (Phong Thổ, Lai Châu) lập miếu thờ cúng Nàng Han.

Các di tích cúng Nàng Han ở hai tỉnh Sơn La và Yên Bái dù cách xa nhau, nghi thức nghi lễ thờ cúng lễ vật cúng tế có đôi chút khác nhau nhưng đều thờ một Nàng Han duy nhất, Nàng Han - Khum Chương.


Truyền thuyết kể lại rằng: Nàng là con gái duy nhất của chúa đất người Khơ Mú ở Chiềng Phung (Quỳnh Nhai ngày nay). Nàng có tài kiếm, cung vô địch. Nàng xin cha được giả trai và luyện tập cùng quân lính. Cha nàng thuận ý và đặt tên con trai cho nàng là Khum Chương.


Khi giặc phương Bắc tràn sang xâm lược, chúa đất chọn chủ tướng cầm quân ra trận. Trong cuộc thỉ đấu quyết liệt Khum Chương đã thắng và được phong làm Chủ tướng và một người đứng sau làm Phó tướng là Khum Lụm. Khum Chương cùng Phó tướng dẫn quân ngược sông Đà, sông Nậm Na (thuộc Lai Châu ngày nay) đánh đuổi giặc phương Bắc qua Chiềng Sa (xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đến Si Xoong Pa Na (Mường Là - Trung Quốc) rồi quay về.


Về nhà đúng 30 Tết, nàng làm lễ cúng áp Mố Chiêng - Tắm gội 30 Tết. Tắm gội xong thì lại nghe tin giặc giữ phương Bắc sang cướp phá ở Mường Lò (Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái). Nàng lại mặc giáp bào, trở thành Khum Chương cùng Phó tướng Khum Lụm cầm quân xuôi sông Đà vào Bắc Yên, vượt núi vào Phù Yên tiến vào Mường Lò đánh đuổi quân giặc chạy tan tác.


Khum Chương cùng quân lính tiến quân khải hoàn trở về, đến Mường Pùa (xã Tường Phù ngày nay) cho quân sĩ nghỉ lại. Một buổi chiều Khum Chương và phó tướng Khum Lụm cưỡi ngựa đi chơi, qua khe suối có nước trong vắt, Khum Chương cúi xuống đưa tay vục nước uống; có ngờ Khum Lụm nhìn thấy vú nàng. Biết nàng là con gái giả trai, Khum Lụm uất ức phải làm phó cho một nữ nhi nên hô lính đuổi giết Khum Chương.


Khum Chương quay lại rút kiếm chém chết Khum Lụm và thốc ngựa chạy vào rừng sâu. Thấy quân lính hỗn loạn, Khum Chương dừng ngựa ngửa mặt kêu trời. Trời thương nên thả nôi mây xuống đón hồn nàng lên trời và cho dội một trận mưa phôn chăng (bây giờ gọi là mưa axít) bỗng xác Khum Chương và quân lính đã biến thành đá.


Sau khi Khum Chương chết, Tạo Mường và dân bản đã trả lại tên con gái cho nàng là Nàng Han. Nhớ công ơn nàng đánh đuổi giặc cứu Mường nên người dân cùng Tạo Mường đã làm cho Nàng một cỗ quan tài quý, đặt hình nhân, xếp mộ đá giả cho Nàng và làm miếu thờ cúng hàng năm vào ngày rằm tháng 3 (âm lịch).


Ở Yên Bái: Mường Lò (Nghĩa Lộ ngày nay) có một quả núi nhỏ gọi là Đuông Nàng Han nơi thờ cúng Nàng Han của bản Mường. Ở Sơn La có 3 di tích thờ cúng Nàng Han: Chiềng Phung (Quỳnh Nhai) nơi đó miếu thờ các đời chúa đất (tổ tiên Nàng) và thờ Nàng, miếu này do người Khơ Mú lập và thờ cúng; Đung Nàng Han Mường Pùa (nay là Phù Yên); Phiêng Khum Lum (Mường Pùa) là nơi mà hồn Nàng Han về trời.


Bà con dân bản xã Mường So vuột gội nước bên mó nước Nàng Han để cầu may mắn, bình an.


Ở tỉnh Lai Châu, huyền thoại và di tích về Nàng Han có một số nơi, nhưng đậm nét và hiện đang được gìn giữ tổ chức thờ cúng là ở xã Mường So (huyện Phong Thổ). Truyền thuyết để lại rằng, thuở ấy đất Thái luôn bị giặc phương Bắc xâm lược.


Có lần giặc tràn sang khu vực Sì Lở Lầu cướp của, đốt phá, chiếm đất và giết hại dân lành. Các vị tướng giỏi đã xuất quân lên biên giới đánh đuổi giặc, nhưng thế giặc mạnh nên đánh mãi không thắng. Quân ta đã tử trận rất nhiều, nên trai tráng bản mường phải liên tục đầu quân đánh giặc. Chiến tranh kéo dài, đời sống nhân dân đất Thái ngày càng lâm vào nghèo đói, khổ cực.


Một đêm cuối năm, chúa đất cùng các Tạo Noọng, Tạo Ao (Quan em, Quan anh) cùng các già bản, già mường có uy tín đốt lửa giữa sân Bản Lang họp bàn cử người cầm quân tiếp viện để đánh giặc. Đêm đã khuya mà vẫn chưa tìm được người tài. Bỗng một cô gái gầy yếu con một gia đình nông dân Bản Lang đến bên đống lửa xin được đi đánh giặc. Mọi người cười ồ lên, có già bản hỏi:


- Mày là đàn bà con gái, lại gầy gò ốm yếu thế, có tài gì mà cũng đòi đi đánh giặc?


Cô gái nói:


- Tôi tuy là phận gái nhưng đất nước có giặc thì con gái cũng phải ra trận. Tôi có sức khỏe, mỗi tay nhấc được một hòn đá to.


Dân bản ngạc nhiên và nhìn xung quanh không thấy hòn đá to bèn lấy hai chiếc bao lớn bỏ đá vào để thử tài cô gái. Quả nhiên, hai tay cô gái đã nhấc bổng hai bao đá nặng. Dân bản trầm trồ thán phục và phong cho cô làm chủ tướng cầm quân ra trận đánh giặc. Chỉ sau một tháng, đội quân của cô gái đã cùng các vị tướng đánh tan giặc ngoại xâm, đất nước được bình yên.


Nhân dân dựng một Hớn quan - ngôi nhà, ở chân Pu Kho Nhọ (núi đầu rồng ngẩng cổ) để chờ đón cô gái trở về cùng quan tạo cai quản bản mường. Mọi người gọi cô bằng cái tên sùng kính là Nàng Han.


Sau khi đánh tan quân giặc, Nàng Han trở về. Ngày 30 Tết Nguyên đán, thì nàng về đến bên suối Tùng Lùm, Nàng Han cho lính hạ kiệu để mình xuống suối tắm gội. Đến mạch nước ngầm, nàng khát nước nên xuống uống nước. Quân lính chờ mãi không thấy chủ tướng quay ra nên cho người vào xem và thấy một cái bóng bay lên trời. Họ hốt hoảng chạy về báo cho chúa đất.


Dân Mường cho rằng Nàng Han là người nhà trời, được cử xuống đất Thái giúp dân đánh giặc giữ nước. Khi đã đánh tan giặc, Nàng lại về trời. Chúa đất cho lập miếu thờ Nàng Han bên mó nước, hàng năm cứ đến ngày 30 Tết nhân dân lại tổ chức cúng Nàng. Ngoài ra, những năm đất nước có giặc thì mỗi khi xuất trận dân mường lại tổ chức cúng Nàng Han tại miếu để xin Nàng phù hộ cho thắng trận. Thời phong kiến, dân bản trước khi đi lính, đi phu, đi buôn đường sông nước và ngày nay thì đi bộ đội, đi công tác, đi làm ăn thì đều sắp lễ xin Nàng Han ban cho an lành, sức khỏe và may mắn, thành đạt.


Truyền thuyết về Nàng Han là bản anh hùng ca lịch sử hào hùng của dân tộc Thái và một số dân tộc khác ở Tây Bắc. Nó chứng tỏ truyền thống yêu nước, xả thân vì Tổ quốc, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ như truyền thuyết Thánh Gióng của người Việt. Đó chính là cội nguồn sức mạnh truyền thống cố kết của dân tộc Việt Nam ta.



Bài và ảnh:Việt Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN