Mô hình sản xuất giúp nông dân thoát nghèo

Sau 2 năm triển khai Dự án nuôi khảo nghiệm lợn rừng sinh sản do bà Trần Thị Hoa, thôn Kim Thành, xã Quang Kim, huyện Bát Xát (Lào Cai) làm chủ nhiệm, đã thành công với quy mô nuôi 4 con lợn đực giống trọng lượng 50 - 60 kg/con; 10 con lợn nái rừng Việt Nam lai nái rừng Thái Lan, trọng lượng 35 - 45 kg/con và 5 con nái giống lợn Mường Khương (Lào Cai) trọng lượng 40 - 45 kg/con thuần chủng để lai tạo.

 

Thu hoạch ốc len dưới tán rừng phòng hộ.

 

Bà Hoa đã bán ra thị trường 700 kg lợn hơi với giá 200.000 đồng/kg; cung ứng cho người dân trong vùng được 110 con lợn giống đảm bảo chất lượng với giá từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, con giống được người chăn nuôi đánh giá cao. Thu nhập từ dự án đạt gần 500 triệu đồng, trừ các chi phí còn lãi 80 triệu đồng. Bên cạnh đó, dự án còn đánh giá được tính thích nghi của lợn rừng theo từng chỉ tiêu cụ thể: tỷ lệ sống, tỷ lệ chết, tỷ lệ nhiễm bệnh, các chỉ tiêu về sinh sản, ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu...


Bà Hoa cho biết: Giống lợn được lai tạo không kén chọn thức ăn; cám gạo, bột sắn, bột ngô hoặc ngô hạt, thóc nghiền… chiếm khoảng 30% trong khẩu phần ăn, còn lại 70% là thức ăn thô, xanh, như cây chuối, bí đỏ. Qua quá trình khảo nghiệm mô hình cho thấy, quy trình kỹ thuật nuôi lợn rừng sinh sản không đòi hỏi kỹ thuật cao, không tốn kém thức ăn, ít bị bệnh, lợi nhuận thu được cao, thị trường tiềm năng. Việc lai tạo cũng đơn giản, chỉ cần lai lợn rừng bố thuần chủng với lợn nái địa phương thuần chủng là tạo ra con lai có chất lượng tốt, khả năng chống chịu bệnh cao, phục vụ nhu cầu con giống tại chỗ cho người chăn nuôi, hạn chế nhập con giống không rõ nguồn gốc, dễ phát sinh lây lan dịch bệnh và thiếu chủ động trong chăn nuôi.


Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, nuôi lợn rừng sinh sản là cơ hội góp phần cho người dân vùng cao xóa đói, giảm nghèo, nâng cao kinh tế gia đình. Việc nuôi được giống lợn rừng lai còn có tác dụng gìn giữ nguồn gen các giống lợn bản địa đang đứng trước tình trạng bị thoái hóa, hạn chế săn, bắt lợn rừng tự nhiên. Dự án được UBND tỉnh đánh giá cao và khuyến khích người dân tham gia nhân rộng trong các huyện vùng cao trong toàn tỉnh trong chương trình chuyển đổi vật nuôi cây trồng hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa giá trị ngày càng cao.


Còn tại Cà Mau, hàng trăm cư dân ở vùng biển tỉnh Cà Mau có cuộc sống khấm khá, thu nhập cao từ mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng phòng hộ. Cư dân nuôi 1-2 vụ thủy sản/năm, chủ yếu là nuôi ốc len, sò huyết, vọp... cho thu nhập 50 triệu đến 300 triệu đồng/năm; chưa kể thu hoạch ba khía, cá kèo được sản sinh từ tự nhiên. Mỗi hộ dân được giao bình quân 3 ha đất rừng phòng hộ để nuôi thủy sản, phần lớn đều thả nuôi ốc len, vì thu hoạch đạt sản lượng rất cao từ 12-15 tấn/ha, thương lái đến tận nơi thu mua ốc len 55.000-65.000 đồng/kg; thời điểm thị trường khan hiếm, giá bán ốc len sẽ tăng cao hơn.


Ông Võ Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân cho biết: Huyện có 170 ha diện tích rừng phòng hộ giao cho dân nuôi thủy sản. Trong 3 năm qua, mô hình mang lại hiệu quả không chỉ về mặt kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho cư dân vùng biển mà còn tích cực gìn giữ bảo vệ rừng, giảm số vụ chặt phá cây rừng trái phép. Huyện Phú Tân đã báo cáo hiệu quả mô hình này đến các ngành chức năng của tỉnh để tiếp tục nhân rộng.


Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đang thực hiện thí điểm mô hình giao đất rừng phòng hộ cho dân nuôi thủy sản kết hợp với việc bảo vệ rừng. Hiện nay, tỉnh có diện tích nuôi thủy sản dưới tán rừng phòng hộ là gần 300 ha, tập trung ở các huyện Phú Tân, Trần Văn Thời và Ngọc Hiển.


Bài và ảnh: Lục Văn Toán - Kim Há

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN