Mô hình giảm nghèo bền vững tại Cao Bằng

Sau 4 năm triển khai, mô hình phát triển đàn trâu, bò sinh sản và lợn thịt giai đoạn I (2008 - 2012) tại Quảng Uyên (Cao Bằng) đã phát huy hiệu quả thiết thực. Các hộ nghèo trong vùng dự án đã được tạo điều kiện để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.


 

Chăn nuôi trâu ở Quảng Yên (Cao Bằng).

 

Chúng tôi đến gia đình anh Lương Văn Tam, xóm Lũng Luông, xã Hạnh Phúc, khi anh đang chuẩn bị đưa con nghé một năm tuổi chuyển giao cho gia đình khác cùng xóm. Năm 2008, được Dự án phát triển đàn trâu, bò sinh sản và lợn thịt hỗ trợ 5 triệu đồng, gia đình anh đã bù thêm tiền để mua một con trâu to khỏe trị giá 13 triệu đồng. Anh Tam cho biết: “Trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhà đông người nhưng chỉ trông chờ vào trồng mía, làm ruộng.

 

Được sự hỗ trợ từ dự án, gia đình có trâu để cày, bừa. Tôi có thời gian làm thêm công việc khác cải thiện thu nhập, có tiền để cải tạo chuồng trại. Đến nay, gia đình vươn lên thoát nghèo, mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ sản suất và sinh hoạt”. Giờ anh Tam chuyển con nghé cho gia đình khác cùng xóm để gia đình này tiếp tục chăm sóc, hưởng lợi từ dự án.


Dự án Mô hình giảm nghèo bền vững giai đoạn I (2008 - 2012) phát triển đàn trâu, bò sinh sản và lợn thịt tại huyện Quảng Uyên được triển khai tại 5 xã, thị trấn: Hạnh Phúc, Quốc Phong, Tự Do, Chí Thảo, thị trấn Quảng Yên, với tổng kinh phí trên 562 triệu đồng, trong đó, 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, còn lại là vốn của các gia đình. Dự án nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giúp các hộ nghèo giảm nghèo bền vững bằng cách hỗ trợ 5 triệu đồng/con cái/hộ nghèo, thiếu vốn để mua trâu, bò giống. Đối với hộ nuôi bò, sau 36 tháng bò sinh con sẽ chuyển bê con cho gia đình khác chăm sóc, hưởng lợi; hộ nhận nuôi trâu thời gian chuyển 48 tháng. Đối với những hộ nuôi lợn được hỗ trợ tiền để mua một đôi lợn giống chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.


Để thực hiện dự án, tỉnh, huyện, xã thành lập Ban chỉ đạo, ban hành quy chế dự án, rà soát đối tượng, khảo sát nhu cầu hỗ trợ của các hộ, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật mua trâu, bò, chăm sóc, phòng chống bệnh... Đến nay, sau 4 năm thực hiện, với 80 hộ tham gia dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản đã có 41 hộ đủ điều kiện chuyển pha II (đạt 51,3% kế hoạch), 18 hộ chăn nuôi trâu, bò đã sinh nhưng bê, nghé còn nhỏ chưa đủ điều kiện chuyển pha, 19 hộ nuôi trâu, bò chưa sinh, 2 hộ bị rủi ro (chiếm 2,5%). Trong đó, hai xã Hạnh Phúc, Tự Do có số hộ đủ điều kiện chuyển pha khá cao (xã Hạnh Phúc đạt 52%, xã Tự Do đạt 75%). Trong tổng số 80 hộ nghèo tham gia dự án, có 48 hộ thoát nghèo, chiếm 60%.


Theo ông Lãnh Xuân Huyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, dù còn nhiều lúng túng trong triển khai thực hiện nhưng về cơ bản, dự án đã giúp các hộ nghèo trong vùng dự án có điều kiện phát triển chăn nuôi, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giúp các hộ nghèo giảm nghèo bền vững.


Giai đoạn II (2012 - 2016), Dự án tiếp tục thực hiện chuyển pha II cho các hộ nghèo, lựa chọn các hộ nghèo tiếp nhận trâu, bò từ các hộ pha I chuyển sang, hướng dẫn các hộ tham gia dự án thực hiện đúng, đủ các thủ tục giao nhận trâu, bò và cam kết thực hiện theo quy chế của dự án. Ưu tiên đối với các hộ nghèo đông lao động, có tinh thần tích cực, nỗ lực vươn lên hoặc các hộ nghèo có người khuyết tật, người đơn thân nuôi con, trẻ em mồ côi để tham gia dự án. Vận động các hộ tham gia dự án sửa chữa chuồng trại, tạo nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Đối với những hộ có bê, nghé chưa đủ điều kiện chuyển pha, tiếp tục đôn đốc để các hộ chăm sóc tốt trâu, bò thực hiện chuyển pha đảm bảo tiến độ.


Quỳnh Anh - Mạnh Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN