Miền núi cao Tây Giang sẵn sàng cho ngày hội lớn

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi có dịp cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII lên huyện miền núi cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, để gặp gỡ và tiếp xúc cử tri, chứng kiến không khí chuẩn bị bầu cử tràn ngập ở các thôn, xã trong huyện.

Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Ủy ban bầu cử (UBBC) huyện Tây Giang cho biết: Cùng với công tác chuẩn bị của các ngành, các cấp có liên quan, địa phương đã phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, khai thác hệ thống gươl xã, gươl thôn (nhà sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Cơtu). Đây chính là những cầu nối giúp cho địa phương triển khai hiệu quả các hoạt động liên quan đến bầu cử. Vì vậy, đến thời điểm này có thể nói rằng huyện miền núi cao Tây Giang đã sẵn sàng cho cuộc bầu cử sắp tới.

Tuyên truyền cho bà con là dân tộc thiểu số hiểu hơn về công tác bầu cử. Ảnh: internet


Tại các xã vùng cao được phê duyệt bầu cử sớm vào ngày 19/5 như: Tr'Hy, A Xan, Ch'Ơm, Gary, nhân dân ở tất cả các điểm thôn rất phấn khởi và tham dự đầy đủ các buổi tiếp xúc cử tri. Có lẽ đây là cơ hội để đồng bào được trực tiếp gặp gỡ ứng cử viên, lắng nghe và trao đổi về những mong muốn, nguyện vọng của mình. Vì vậy, dân làng sẵn sàng gác lại công việc nương rẫy để tiếp xúc, nắm bắt thông tin về cuộc bầu cử.

Ông Bhling Mia cho biết thêm: 4 xã vùng cao của huyện Tây Giang (những xã bầu cử sớm) là khu vực còn nhiều khó khăn về giao thông và phương tiện thông tin đại chúng nên ở 4 xã này cũng đã có cách làm riêng để thông tin về cuộc bầu cử đến với mỗi gia đình, từng cử tri. Theo đó, các văn bản liên quan đến bầu cử đều được UBBC đặt tại gươl. Địa điểm này được chọn cũng là một biện pháp tuyên truyền lý tưởng vì gươl là nơi sinh hoạt cộng đồng của mỗi làng. Ngày nào đồng bào Cơtu cũng đến gươl làng để gặp gỡ trò chuyện, do vậy việc triển khai các văn bản liên quan có phần thuận lợi hơn.

Nói chuyện với chúng tôi tại điểm thôn Pơning, xã Lăng, già làng C'lâu Nâm cho biết: Toàn thôn Pơning có 92 hộ, nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc. Tin và nghe theo ý kiến của già làng nên dù bận công việc nương rẫy đến đâu họ vẫn thường xuyên lui tới, nghiên cứu kỹ tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên. Người nào chưa đọc rõ cái chữ đã có các em học sinh trong thôn đọc cho nghe. “Mình đã nói với bà con cần phải dành thời gian thật nhiều cho cuộc bầu cử, vừa tìm hiểu tiểu sử vừa gặp gỡ trao đổi với ứng cử viên trong các buổi tiếp xúc cử tri. Như vậy bà con mới có thể gửi gắm mong muốn của mình và có cơ sở để lựa chọn người xứng đáng nhất, tin tưởng nhất đại diện cho mình. Thôn mình có điện, nhiều gia đình có ti vi, thêm vào đó, trạm truyền thanh của xã cũng thường xuyên phát các chương trình liên quan đến bầu cử nên bà con rất quan tâm, hưởng ứng”, già làng C’lâu Nâm nhấn mạnh.

Trần Tĩnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN