Mai An Tiêm của hồ Thác

Anh Vi Văn Thanh là người đầu tiên ở Yên Bình khai hoang các đảo đất hoang trên lòng hồ Thác Bà rồi mang giống dưa hấu về trồng.

Anh Vi Văn Thanh là người đầu tiên đưa dưa hấu trồng trên đảo hồ Thác Bà.

Tận dụng thời gian nửa năm nước rút, từ tháng 1 đến tháng 7 hàng năm, người dân các xã ven hồ Thác Bà (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) từ gần 10 năm nay khai phá những đảo đất hoang hóa để trồng dưa hấu sạch. Hàng chục ha dưa hấu mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một trong những loại cây trồng giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nhất là tại các xã khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Là người đầu tiên ở Yên Bình khai hoang các đảo đất hoang trên lòng hồ Thác Bà rồi mang giống dưa hấu về trồng, anh Vi Văn Thanh, dân tộc Tày, ở thôn Cây Luồng, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái được người dân nơi đây gọi là “Mai An Tiêm của hồ Thác”. Từ những luống dưa hấu được trồng thử nghiệm lần đầu tiên năm 2008, đảo dưa nhà anh Thanh đã được mở rộng với diện tích hơn 1 ha.

Dưa hấu được anh Thanh trồng theo phương pháp sạch, chủ yếu được chăm bón bằng các loại phân hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên bảo đảm an toàn chất lượng, được các thương lái đến từ các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình… tới tận nơi thu mua. Với giá bán trung bình từ 6 - 7 nghìn đồng/kg, hơn 1 ha dưa hấu nhà anh Thanh mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng.

Anh Vi Văn Thanh cho biết, do hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu vùng lòng hồ Thác Bà, dưa hấu trồng ở đây dù quả nhỏ nhưng có chất lượng tốt, mỏng vỏ, vị ngọt sắc, được người tiêu dùng ưa chuộng. So với các cây hoa màu khác như ngô, lạc, đậu… cây dưa hấu mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2 - 3 lần.

Thời gian trồng ngắn, giá ổn định, mức tiêu thụ lớn nên hiện nay vẫn chưa đáp ứng được số lượng thị trường yêu cầu. Gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dưa, thay thế một số cây trồng khác kém hiệu quả bằng cây dưa hấu.

Không chỉ phát triển đảo dưa nhà mình, anh Vi Văn Thanh còn hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, giống, phân bón… cho các gia đình khác trong thôn cùng làm để vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Từ đảo dưa nhà anh Thanh, đến nay, đã có hàng trăm hộ dân học hỏi, làm theo, mở rộng dần các diện tích trồng dưa, biến các đảo đất hoang hóa trên vùng lòng hồ thủy điện Thác Bà thành những đảo xanh mang lại ấm no.

Ông Tô Văn Hộ, dân tộc Tày, thôn Cây Luồng, xã Xuân Lai là một trong số những hộ dân được anh Thanh chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa trên đảo, trở thành hộ dân thứ hai ở xã Xuân Lai có đảo dưa trên vùng lòng hồ Thác Bà. Đến nay, gia đình ông Hộ đã phát triển đảo dưa nhà mình với diện tích hơn 1 ha, mỗi năm cho thu hoạch hơn 20 tấn dưa.

Nhờ cây dưa hấu, gia đình ông Hộ cũng như nhiều người dân ở Xuân Lai đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang, con cái được học hành, mua sắm được nhiều đồ dùng tiện nghi…, cây dưa hấu đang giúp thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây.

Ông Tô Văn Hộ cho biết, kinh nghiệm gần 10 năm trồng cho thấy, cây dưa hấu rất phù hợp với điều kiện tại các đảo đất trên vùng lòng hồ Thác Bà. Dưa sạch, bảo đảm chất lượng nên luôn giữ được giá thành và thị trường tiêu thụ ổn định.

Từ đảo dưa đầu tiên nhà anh Thanh, đến nay, hàng trăm đảo dưa khác được phát triển, mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân. Không chỉ tự vươn lên làm giàu, các hộ dân trồng dưa thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau để nâng chất lượng, giá trị quả dưa hấu trên vùng lòng hồ Thác Bà.

Xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái có hơn 700 hộ dân sinh sống, 90% là đồng bào các dân tộc thiểu số; trong đó chủ yếu là người Tày. Đây cũng là xã có diện tích trồng dưa trên các đảo vùng lòng hồ Thác Bà lớn nhất.

Hiện toàn bộ diện tích dưa hấu của xã Xuân Lai là hơn 20 ha. Mỗi năm, xã cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn dưa hấu sạch, được xuất đi các tỉnh lân cận và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Theo ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lai (Yên Bình - Yên Bái), từ hiệu quả kinh tế cây dưa hấu đang mang lại, Xuân Lai sẽ tiếp tục nghiên cứu để mở rộng vùng trồng dưa.

Đồng thời, xã sẽ kiến nghị để có biện pháp hỗ trợ kỹ thuật, cùng bà con xây dựng vùng dưa sạch, chất lượng để phát huy hiệu quả kinh tế của loại cây trồng đang được kỳ vọng sẽ là cây giúp xóa đói giảm nghèo này.

Cây dưa hấu trên vùng lòng hồ Thác Bà được kỳ vọng sẽ trở thành cây xóa đói giảm nghèo bền vững, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc tại các xã ven hồ Thác Bà. Những chính sách khuyến khích cùng sự hỗ trợ kịp thời sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của vùng dưa lòng hồ Thác Bà.

Việc xây dựng vùng dưa sạch, tiến tới phát triển thương hiệu sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đấy phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả rõ rệt đối với những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vốn còn đang gặp nhiều khó khăn.

Bài và ảnh: Đinh Hữu Dư (TTXVN)
Đan rọ tôm vùng lòng hồ Thác Bà
Đan rọ tôm vùng lòng hồ Thác Bà

Để tận dụng thời gian nông nhàn sau mỗi mùa vụ và tăng thêm thu nhập cho người dân, những năm qua, xã Phan Thanh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã tích cực vận động nhân dân tập trung vào nghề đan rọ tôm để phát triển nghề đánh bắt thủy sản trên vùng lòng hồ Thác Bà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN