Liệt hai chân vẫn làm việc, phụng dưỡng bố mẹ già

Cố nheo đôi mắt bao năm qua không nhìn rõ người lạ người quen, ông Vù Seo Sùng, bố đẻ của Vù Seo Lử, kể về đứa con của mình. Lử vừa lọt lòng mẹ đã mang một thân hình không bình thường, chân tay không duỗi thẳng ra được, lúc nào cũng giơ lên trời như cái vó tôm.

Nhiều người bảo vợ chồng ông đem bỏ nó vào rừng sâu không con ma sẽ đem tai họa đến cho cả dân làng. Thương con đứt ruột nên không nỡ đem nó vào rừng, ông bàn với vợ lén giấu con trong góc buồng chăm sóc đến khi nó lớn.

Theo thời gian, cậu bé Vù Seo Lử ốm yếu quặt quẹo ngày nào đến nay đã trở thành chàng thanh niên 19 tuổi. Cơ thể của Lử, phần thân phát triển bình thường nhưng đôi chân dị tật khiến anh không thể đứng lên như mọi người. Mỗi khi đi lại bằng đôi tay và lê lết trên mặt đất, Lử trở thành trò cười của lũ trẻ trong làng, nhưng Vù Seo Lử chẳng bận tâm, anh cố xoay sở làm việc nhà giúp bố mẹ, từ việc dễ như vo gạo nấu cơm, đến thái chuối nuôi lợn.

Vù Seo Lử - người con hiếu thảo.


Bỗng dưng cha của Lử ốm vì mắc căn bệnh hiểm nghèo. Khó khăn chồng chất khó khăn đối với gia đình người Mông có hoàn cảnh đặc biệt này. Mọi công việc đều dồn lên vai người mẹ đã bước qua tuổi 70. Ngày ngày, thấy mẹ thức khuya dậy sớm làm lụng vất vả nuôi hai bố con, Lử thấy mình thật vô dụng! Từ đó, Lử bắt đầu tập làm tất cả những công việc mà một chàng trai Mông đến tuổi trưởng thành đều phải gánh vác trên vai.

Với một đầu sợi dây rừng buộc vào khúc gỗ, đầu kia quấn lại thành một vòng vắt qua vai, ngày nào cũng vậy, sau buổi phát nương, làm cỏ, Vù Seo Lử thường kéo củi về nhà bán lấy tiền mua gạo, chăm sóc bố mẹ già yếu. Nhìn cảnh đó ít người cầm được nước mắt.

Không nề hà vất vả, ngày nào cũng vậy, vẫn bộ quần áo cũ, xộc xệch thắt bằng bẹ chuối khô, Lử lê thân vào rừng nhặt củi. Chị Giàng Thị Mẩy, một người dân ở xã Bảo Hà chia sẻ: Trước đây do chưa hiểu, bà con hay xa lánh Lử. Thấy cảnh thương tâm này, bà con ai cũng thương Lử lắm, thường mua giúp Lử những bó củi và trả tiền cao gấp đôi gấp ba lần nhưng anh kiên quyết từ chối chỉ lấy bằng giá trị thực của nó.

Là người khuyết tật, nhưng khả năng lao động của Lử không thua kém người bình thường. Ngoài việc vào rừng lấy củi, Lử còn đi chăn trâu, lên nương trỉa bắp, nấu cám nuôi lợn… Mọi công việc từ lớn đến bé trong nhà một tay Lử quán xuyến lo liệu. Bà Học Thị Dó - mẹ Lử tâm sự: “Thương con muốn đứt ruột nhưng vì hai vợ chồng đều tuổi cao sức yếu đành phải dựa vào đứa con trai tật nguyền”.

Bà Nguyễn Thị Lựu, Phó Chủ tịch HĐND xã Bảo Hà cho biết, thấy Lử là đứa con ngoan và có hiếu, chính quyền xã đã nhiều lần khuyên Lử ra đền Bảo Hà lập quán bán hàng nước phục vụ khách vãn cảnh đền, như thế hợp sức khỏe hơn, nhưng anh còn đắn đo không muốn xa bố mẹ. Tấm lòng của một người con như Lử thật là hiếm có!

Lục Văn Toán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN