Lên Vàng Ma Chải xem người Dao đỏ kéo vợ

Chẳng biết tự khi nào, khi mùa xuân đến Vàng Ma Chải (Phong Thổ - Lai Châu) thì mùa kéo vợ của người Dao đỏ cũng bắt đầu. Kéo vợ là một hình thức lách luật để những chàng trai, cô gái nghèo có thể tìm hạnh phúc và nên vợ, nên chồng. Tạo luật để… lách luật

Theo tục lệ ngày xưa của người Dao đỏ ở Vàng Ma Chải, chàng trai muốn đến xin cưới người mình yêu để làm vợ phải nộp cho nhà gái và dân bản 70 đồng bạc trắng, 70 vò rượu và 2 con lợn. Số lễ vật này tương đương với một gia tài lớn mà một đời người làm lụng vất vả cũng không thể làm ra. Chính hủ tục đã cản trở bao đôi trai gái đến với nhau và tạo nên nhiều cuộc tình oan trái do quá nghèo.

Quang cảnh rừng bản Sì Chooang vào ngày rằm, ngày của những đám kéo vợ.


Chàng trai có thể một mình kéo người yêu về làm vợ...

... hoặc nhờ thêm bạn bè đến giúp.


Ông Tẩn Phủ Nhiêu ở bản Sì Chooang cho biết: “Ngày xưa còn chế độ quan lang ở xứ này, các quan lang tạo ra luật để ngăn cản những đôi trai gái nên vợ, nên chồng. Nếu không có bạc trắng để cưới vợ mà về ở với nhau rồi sinh con đẻ cái thì bị quan lang bắt vạ, suối đời phải làm nô lệ, phục dịch cho nhà quan lang. Người Dao ở Vàng Ma Chải mới nghĩ ra cách kéo vợ để tìm hạnh phúc và đối phó với luật của quan lang. Từ đó, người Dao đỏ ở tám xã biên giới khu vực Dào San huyện Phong Thổ học cách kéo vợ của người Dao ở Vàng Ma Chải”.

Ông Nhiêu cho biết thêm: Người Dao đỏ chỉ kéo vợ vào mùa xuân. Những đám kéo rầm rộ nhất là bắt đầu từ ngày mùng 1 Tết âm lịch đến hết rằm tháng Giêng. Kéo vợ ngày Tết thì không bị bắt vạ. Thủ tục kéo vợ cũng rất đơn giản. Những đôi trai gái phải lòng nhau rồi, chỉ việc hẹn hò ở trên rừng rồi chàng trai nhờ một vài người bạn lên điểm hẹn kéo về nhà mình. Theo phong tục, khi chàng trai kéo thì cô gái phải chống đối, càng chống đối thì gia đình sau này có nhiều con cái và hạnh phúc. Khi đám kéo vợ chỉ cần một người trong bản nhìn thấy rồi loan tin cho cả bản biết thì trong quan niệm của người Dao đỏ, đôi trai gái đó đã nên vợ nên chồng.

Cô gái có nấp trong tường đá cũng bị chàng trai phát hiện rồi kéo về.


Ông Tẩn Kim Vần là già bản cũng khẳng định tục lệ này. Ông cho biết, từ khi ông lớn lên thì tục kéo vợ đã có rồi. Những chàng trai ở Vàng Ma Chải không ai là không đi kéo vợ. Bây giờ sau khi kéo cô gái về nhà ba ngày rồi hỏi xem có đồng ý làm vợ mình không? Nếu cô gái đồng ý thì chỉ việc mang con gà, chai rượu sang nhà bố mẹ vợ báo cáo rồi làm thủ tục đăng ký kết hôn. Còn nếu ba ngày sau cô gái không đồng ý thì chàng trai phải thả cô gái về rồi đợi mùa xuân sau đi kéo tiếp.

Ông Vần đã 72 tuổi và ông đi kéo vợ từ năm 19 nhưng ông mới tổ chức đám cưới cho mình cách đây 2 năm. Tục lệ của người Dao đỏ ở Vàng Ma Chải quy định rằng: Sau khi kéo cô gái về nhà thì nghiễm nhiên đôi trai gái đó đã nên vợ, thành chồng. Họ có thể sống với nhau, sinh con đẻ cái làm ăn đến khi của cái dư thừa rồi mới tổ chức đám cưới.

Hội kéo vợ ngày rằm

Chúng tôi có mặt tại Vàng Ma Chải đúng ngày rằm tháng Giêng – ngày cuối cùng có thể tổ chức kéo vợ theo luật tục của người Dao đỏ. Theo chân chàng trai Tân Kim Hùng lên rừng tìm bạn kéo thì thấy khắp bản Sì Chooang đông vui như ngày hội. Các chàng trai thì nô nức tìm bạn để kéo, dân bản thì mặc trang phục truyền thống rực rỡ ra đầu bản để chứng kiến những đám kéo của con em bản mình. Tẩn Kim Hùng cho biết: “Từ Tết đến giờ em bận giúp bạn kéo vợ, đếm hôm nay bạn bè mới giúp em đi kéo người yêu về làm vợ”.

Người yêu của Hùng đang túm tụm cùng bạn bè trang lứa dưới tán rừng, nét mặt đỏ ửng. Hùng nhanh tay nắm lấy tay bạn gái rồi cùng với hai bạn trai khác kéo về đầu bản giữa tiếng hò reo của bà con trong khi cô bạn gái “quyết liệt” ra vẻ chống đối. Khi đưa bạn gái về đến nhà mình giao cho mẹ, Hùng mới hả hê khoe: “Bạn gái em “chống đối” quyết liệt lắm! Chắc sau này sẽ sinh nhiều con cái khỏe mạnh và sẽ hạnh phúc. Em phải mang rượu với gà sang chào bố mẹ vợ đây”.

Tục kéo vợ được người Dao đỏ ví như “ông tơ, bà nguyệt” để se duyên hạnh phúc cho đôi lứa.


Khi Hùng đi khỏi nhà thì ngay đầu bản lại huyên náo, bà con Dao đỏ đang cổ vũ cho một đám kéo vợ khác. Ông Tẩn Phủ Nhiêu cười khoe: “Không tính những đám kéo vợ mấy ngày trước, ngày rằm hôm nay còn phải có 7 đám kéo vợ nữa. Những đôi trai gái nào trong bản Sì Chooang này “phải lòng nhau” dân bản chúng tôi đều đếm được hết. Ngày rằm này phải kéo hết không thì phải đợi mùa xuân sang năm”.

Khi những khối mù ập xuống thung lũng Vàng Ma Chải, trời tắt nắng thì đâu đó trên tán rừng đầu bản vẫn còn tiếng gọi bạn, tiếng người cổ vũ, tiếng bước chân thình thịch của những đám kéo vợ cuối cùng. Nâng chén rượu ngô thơm lừng đầu xuân, ông Nhiêu móm mém hỏi: “Chú có thấy ngày hội kéo vợ ở quê ta vui không?”. Chén rượu ngô ngày Tết se lưỡi thơm lạ, lạ như chính cái phong tục kéo vợ đầy tính nhân văn đang được người Dao đỏ ở nơi này giữ gìn và phát huy. Chàng trai có thể một mình kéo người yêu về làm vợ... ... hoặc nhờ thêm bạn bè đến giúp. Cô gái có nấp trong tường đá cũng bị chàng trai phát hiện rồi kéo về. Tục kéo vợ được người Dao đỏ ví như “ông tơ, bà nguyệt” để se duyên hạnh phúc cho đôi lứa.

Bài: Yên Ninh - Ảnh:
Thông Thiện

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN