Lễ lên nhà mới của người Mảng

Tộc người Mảng tập trung chủ yếu ở tỉnh Lai Châu với dân số khoảng 3.500 người, dân trí thấp, đời sống lạc hậu, nghèo đói, giao thông đến bản cách trở. Họ cho rằng đời người quan trọng là dựng nhà, lập gia đình và sinh con, phát triển gia đình. Nhà dù nhỏ hay lớn, gỗ hay tranh tre nhưng dựng nhà là mối quan tâm hàng đầu rồi mới tính đến việc khác. Nhà làm xong, vào buổi sáng ngày tốt đã chọn, gia đình làm các thủ tục, nghi lễ lên nhà mới.

 

Vợ chồng chủ nhà đi trước vào nhà, treo chài, tên, nỏ lên cột nhà, vợ đặt hòm mây xuống đất, trải đệm, đặt chăn, gối lên giường và bem đựng tài sản của gia đình lên đầu giường.


Với người Mảng, lên nhà mới ngày đẹp nhất là ngày con ngựa sau đó đến ngày con rồng, con dê, con gà. Đặc biệt, kiêng ngày mất của bố, mẹ ông bà chủ nhà; ngày sinh, năm sinh của ông chủ nhà; ngày con hổ (nỉ nhì); tránh cả ngày mất của người vợ hoặc chồng đã qua đời của mình. Lên nhà mới cũng như các nghi lễ cầu cúng khác, người Mảng thường tiến hành vào buổi sáng. Họ cho rằng buổi sáng là dương, là sinh sôi, phát triển. Còn buổi chiều là âm, là suy thoái.

Sắp xếp đồ đạc trong gia đình xong, bà chủ nhà bắc chõ đồ xôi. Bà cũng xin khói trong chõ xôi báo cho biết sự yên ổn của ngôi nhà mới của gia đình.

 

Chủ nhà mổ lợn hoặc gà để cúng tổ tiên.

 

Vào nhà mới, hai vợ chồng chủ nhà đi đầu. Các con cháu, người mang chăn đệm, người mang dụng cụ nấu nướng và vật dụng sinh hoạt của gia đình đặt vào vị trí đã định. Chủ nhà đi đầu tay cầm tên, nỏ, vai khoác chài, vợ chủ nhà địu chiếc hòm mây đựng tài sản quý của gia đình. Họ cùng nói: Vào nhà mới mạnh khỏe, hạnh phúc, làm ăn phát đạt nhé. Đồ đạc được xếp đặt xong, bà chủ nhà nhóm lửa đồ xôi. Khi đặt chõ đồ xôi lên bếp, bà chủ nhà khấn xin ma nhà (tổ tiên, ông bà) phù hộ cho cả gia đình khỏe mạnh, đông con, nhiều cháu. Con cháu sinh ra có đủ trai, đủ gái; làm ăn gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu.

 

Gia đình mượn người biết cúng bái, đuổi tà ma không đến quấy rối các thành viên trong gia đình.


Sau đó ông chủ nhà cùng các con trai đun nước, mổ lợn, gà để làm lễ. Trước khi cắt tiết con vật lễ, ông chủ nhà cầm dao đặt lên cổ lợn, gà khấn báo việc mổ lợn, gà làm lễ nhà mới, mời tổ tiên, ông bà (ma nhà) về ăn cỗ và phù hộ cho con, cháu những điều may mắn, tốt lành. Theo quan niệm của người Mảng, khấn mời và cầu xin lúc này là ma nhà đã về hưởng lễ từ lúc lễ sống rồi. Ma nhà sẽ báo cho biết mọi điều vào gan lợn, chân gà, đầu gà, cứ xem là biết. Họ cho rằng khi gà, lợn luộc chín mang ra chặt: Khi xôi chín đổ ra mẹt là ma nhà cũng “ăn” hơi luôn rồi. Vậy nên, người Mảng không bày mâm lễ chín để cúng một lần nữa như nhiều dân tộc khác. Việc mổ lợn phải thật cẩn thận làm sao cho lưỡi dao không được chạm vào gan. Vì bộ gan con lợn lễ này còn để xem tốt - xấu, may - rủi của gia đình.

 

Dù nhà gỗ hay nhà tranh tre tạm thì người Mảng cũng tổ chức lễ lên nhà mới để cúng và cầu bình an cho gia đình.


Gà luộc chín, chặt ra để riêng đầu và hai cẳng chân, đặt trên mâm, trước mặt ông chủ nhà để xem. Cũng như xem gan lợn, việc xem chân và đầu gà là để gia chủ biết điều tốt lành mà vui mừng; biết điều rủi, điều xấu mà tránh hoặc làm lễ giải hạn.

 

Anh em, hàng xóm, con cháu mừng gia chủ đã làm được ngôi nhà mới.


Bữa cỗ trong lễ lên nhà mới của người Mảng thường đông chật nhà. Ngoài anh em, con cháu, họ hàng thì hàng xóm bạn bè của chủ nhà cũng được mời. Sau khi nâng vài tuần rượu mừng chúc gia chủ, những người biết hát sẽ hát những bài hát mừng nhà mới, hát những bài dân ca sinh hoạt, những bài dân ca lao động sản xuất. Rượu càng ngấm hát càng say sưa, tình cảm. Đây là nét văn hóa không phải dân tộc nào cũng có.


Bài và ảnh: Việt Hoàng

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN