Lễ hội Rija Nagar của người Chăm

Hằng năm, người Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận tổ chức rất nhiều lễ hội, mỗi lễ hội có sắc thái và ý nghĩa khác nhau, trong đó lễ hội Rija Nagar mang ý nghĩa đón chào năm mới, cầu phúc mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe dồi dào. Đồng thời, người ta làm lễ hội để thánh tẩy, xua tan đi bao buồn phiền âu lo, đen đủi, xấu xa của năm cũ để đón chào năm mới an lành.


Lễ hội Rija Nagar đậm tín ngưỡng đặc sắc của đồng bào Chăm. Ảnh: vnexpress.net

 

Lễ hội diễn ra trong một nhà lễ ở bãi đất trống đầu làng, nhà lễ quay mặt về hướng đông và xung quanh được rào bằng liếp tre. Chủ lễ là thầy vỗ Maduen và bà bóng, nhưng đặc sắc hơn cả và khiến du khách thích thú hơn là sắc phục màu đỏ và điệu múa đạp lửa hùng hồn của vũ sư Ka-ing. Ngoài ra còn có phụ lễ là thầy đánh trống gineng, thổi kèn saranai và các bô lão chức sắc phụ giúp.


Lễ hội Rija Nagar được tổ chức trong hai ngày, ngày vào thứ 5 và ngày ra thứ 6 trong tuần. Ngày thứ nhất cúng các Thần Yang mới. Vật cúng cho ngày vào gồm một thôn trầu, xôi, chuối, rượu và ba con gà.


Khi tiếng trống gineng ngân vang, kèn saranai réo rắt hòa cùng tiếng trống baranâng trầm hùng thì buổi lễ cũng chính thức bắt đầu với điệu múa khoan thai, uyển chuyển của vũ sư Ka-ing. Vũ sư được xem như trung tâm của buổi lễ và đại diện cho cộng đồng giao thoa với thế giới tâm linh của các vị thần. Khi đó, thầy vỗ Maduen sẽ vừa vỗ baranâng vừa hát bài thánh ca, ca ngợi công trạng của các vị thần và mời các ngài về dự lễ. Mỗi vị thần có mỗi bài thánh ca khác nhau, vũ sư Ka-ing sẽ mặc sắc phục và múa mỗi điệu múa khác nhau cho mỗi vị thần đó.


Đặc sắc nhất trong buổi lễ là điệu múa Po Haniim Par (điệu múa đạp lửa). Khi thầy vỗ Maduen hát về Po Haniim Par, vũ sư Ka-ing sẽ mặc sắc phục màu đỏ, tay cầm roi mây bắt đầu nhảy múa. Từ từ, Ka-ing sẽ múa ra trước sân nhà lễ, ở đó có đốm lửa đang cháy sẵn. Tiếng trống gineng lúc khoan thai nhịp nhạp, lúc hùng hồn thúc giục vũ sư Ka-ing nhảy vào đạp lửa và quất roi mây xung quanh.


Ngày thứ hai là ngày ra, trong lễ Rija Nagar, người Chăm có câu “ngày vào cúng gà, ngày ra cúng dê”. Các vị thần được mời đến dự buổi lễ là Thần Yang cũ. Trong ngày này, người ta sẽ làm một con dê luộc, thịt thái nhỏ, nước luộc sẽ được dùng làm canh dê. Đây là món ăn đặc sản của người Chăm được làm từ thịt. Vật cúng còn có mâm cơm lễ, canh gà, rượu, trầu, gạo nổ, xôi và hoa quả. Vật cúng không thể thiếu trong lễ hội là bông điệp và quả lựu quả lựu là tượng trưng cho chàng Lựu - Cei Dalim. Đây là vật cúng mang ý niệm sâu sa trong lễ hội dân gian của người Chăm.


Trong ngày thứ hai, lễ hội sẽ có những điệu múa đặc sắc với những âm thanh hùng hồn của tiếng trống gineng, cùng tiếng kèn saranai réo rắt. Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên không gian tín ngưỡng đặc sắc của người Chăm.


Kết thúc ngày lễ thứ hai là nghi thức tiễn đưa hình nhân. Hình nhân được nặn bằng bột gạo, do chính bàn tay vũ sư Ka-ing nhào nặn. Sau khi làm lễ, hình nhân sẽ được vũ sư Ka-ing tiễn đưa xuống dòng sông như thay thế cho dân làng mang đi những tai ương, hoạn nạn của năm cũ, mang đến cho dân làng may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt trong năm mới.


Lễ hội Rija Nagar mang ý nghĩa nhân văn, hướng con người trở về cội nguồn, tự hào bản sắc văn hóa của dân tộc. Điệu múa đạp lửa như tượng trưng cho sự dập tắt tai ương, thiên tai, mong đón một năm mới tốt đẹp hơn, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Trong những ngày đầu năm (nhằm tháng 5 dương lịch), người Chăm cũng tổ chức các lễ hội khác như lễ cúng Po Riyak (thần sóng biển), lễ Palao Sah (lễ cầu đảo), lễ cúng Po Bia Suai, Po Binthuer, Po Nai,… Tất cả tạo nên không gian lễ hội đặc sắc đầu năm mới của người Chăm.


Putra Jatrai

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN