Lễ cúng thần rừng

Vào ngày Thìn của tháng 2 và tháng 7 Âm lịch hàng năm, bà con thôn Ma Lù Súng, xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang lại nô nức tổ chức lễ cúng rừng. Bao đời nay, Thần Rừng đã bảo vệ bà con dân bản tránh khỏi những tai ương, phù hộ cho mùa màng tốt tươi. Từ người già cho đến đứa trẻ ở trong thôn đều “coi rừng như Mẹ Cả”. Và đồng bào Nùng ở đây sống chết cũng phải bảo vệ mẹ rừng.


 

Chuẩn bị lễ vật là lợn, gà để cúng Thần Rừng.

 

Từ sáng sớm tinh mơ, những chủ hộ gia đình đã đeo túi theo nhau đi đến khu rừng cấm của thôn. Đến gần khu vực miếu thờ, không ai bảo ai mọi người lần lượt bỏ giày dép, đi chân trần để tỏ lòng tôn kính đối với Thần Rừng.


 

Bước vào rừng cấm, tất cả mọi người đều bỏ dép ra để tỏ lòng tôn kính Thần Rừng.

 

Trước khi tiến hành nghi thức, đồ lễ được bày biện trên những cái nong hoặc lá chuối rừng. Lễ vật cúng là 1 con lợn, 3 con gà, 2 con ngan. Sau khi mổ xong, sắp nguyên cả con cùng với tiết và nội tạng bày lên mâm cúng. Trên mâm cúng có 12 chiếc chén, 12 đôi đũa và 12 chiếc bát. Đồng bào Nùng cho biết: Con số 12 tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Lễ vật cúng được các gia đình trong thôn cùng nhau đóng góp.


 

Thầy cúng sắp lễ vật để cúng Thần Rừng.

 

Ngoài lễ vật chung, mỗi gia đình còn mang theo 5 que hương và 1 tờ giấy bản. Thầy cúng sẽ đọc tên của tất cả các dòng họ trong thôn để Thần Rừng bảo vệ họ tránh khỏi những tai ương, điềm xấu.


 

Thầy cúng đọc lời cúng để cầu Thần Rừng mang bình an đến cho mọi người.

Sau khi cúng xong, thầy cúng xem xương gà để đoán xem mùa màng năm nay có được bội thu.

Cúng xong, dân làng tiến hành chặt thịt để nấu ăn ngay tại rừng.

 

Xưa kia, trong dịp tổ chức lễ cúng Thần Rừng, mỗi gia đình chỉ có 1 nam giới đến tham dự. Tuy nhiên hiện nay, đồng bào Nùng không còn quan niệm phân biệt nam hay nữ nên cả nam và nữ đều được mời đến tham dự lễ.

Lê San

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN