Lễ Căm mường của đồng bào Lự

Ở Lai Châu, đồng bào Lự chiếm gần 2% dân số thuộc nhóm người Lự trắng sống chủ yếu ở huyện Sìn Hồ và huyện Tam Đường. Dân tộc Lự thường cư trú dọc theo các con sông, khe suối. Từ xa xưa, với đời sống ổn canh ổn cư, đồng bào Lự đã biết canh tác lúa nước rất sớm, nên đời sống vật chất của họ tương đối ổn định. Chính vì vậy mà vốn văn hóa tinh thần của dân tộc Lự cũng phong phú đa dạng, vẫn còn giữ được những nét văn hóa riêng, mang đậm bản sắc dân tộc, đặc sắc và tiêu biểu nhất là Lễ Căm mường (Lễ Cấm bản).

Hòn đá này là thần vật được dân bản kính trọng thờ cúng.

Lễ Căm mường ở đây được tổ chức một năm 2 lần: Lần thứ nhất vào ngày 3/3 khi lúa sắp trổ đòng; lần thứ 2 là ngày 6/6 khi mùa gặt xong. Bản chọn một khoảnh rừng để làm rừng cấm, và thờ thần vật là một hòn đá. Nghiêm cấm không được ai tự ý vào đây để chặt cây nếu chưa được cộng đồng bản cho phép. Cứ đến ngày Lễ Cấm bản, các gia đình, người dân trong bản và thầy cúng chuẩn bị các lễ vật cho nghi lễ cúng, tuân thủ những kiêng kỵ trong những ngày lễ.

Dân bản làm bánh nếp (khẩu nếp) để ăn trong mấy ngày cấm bản.

Lễ cấm bản mang ý nghĩa tín ngưỡng, nên dân bản thực hiện rất long trọng và thành kính. Trước khi diễn ra, các gia đình phải làm hết việc đồng áng, nương rẫy. Mấy ngày cấm bản thì mọi người chỉ nghỉ ngơi, đi chơi, không phải lao động. Đồng thời, cấm các gia đình mua các thứ từ ngoài đưa về nhà, nên phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm ăn uống trong những ngày cấm. Người Lự có truyền thống làm bánh nếp (khẩu nép) để ăn, mời bạn bè, khách đến nhà chơi. Bản không cấm các gia đình mổ gà, mổ ngan, vịt… Nhưng ít ai làm thịt con vật, vì họ cho rằng ngày cúng lễ là cầu cho vật nuôi không bị dịch bệnh, phát triển tốt.

Mọi người làm biển cấm (ta leo) để các hộ gia đình mang về cắm ở đầu cổng bản, đầu ngõ đi vào các gia đình.

Lễ cúng ở rừng cấm là phần quan trọng nhất của Lễ Căm Mường, lễ cúng này là cúng Thần bản (Thi đung bản) nên bản quy định các gia đình góp tiền để mua lễ cúng. Lễ cúng phải có 1 con lợn (tô mu) màu đen, 1 con gà (tô cáy) không được có màu trắng, cả lợn và gà là con đực.

Thầy cúng chính và các thầy cúng đang hành lễ trước nơi thờ thần bản.

Sau khi làm lễ xong, người được phân công mang biển đi cắm để cấm người vào bản.

Rừng cấm của người Lự được chọn gần cạnh bản. Thầy cũng phải đến sớm trước để cúng xin với thần bản cho dọn dẹp khu vực tổ chức lễ cúng. Sau khi thầy cúng cúng xong, thì dân bản bắt tay vào làm các công việc. Người nấu nước làm thịt lợn, gà; người phát quang, dọn dẹp sạch sẽ; người chặt cây tre để đan bảng cấm (ta leo); người làm cổng cấm (tỳ căm pư) đi vào nơi thờ cúng, khu vực này chỉ cho phép thầy cúng và các cụ cao tuổi đại diện vào. Khi lợn gà làm xong thì bày biện lên mâm để tiến hành lễ cúng. Trong phần lễ này không có khèn, trống, sáo, chiêng hay bất kỳ một loại nhạc cụ nào phá vỡ không gian tĩnh lặng. Theo quan niệm của người Lự thì âm thanh nhạc cụ sẽ ảnh hưởng tới linh hồn của các vị thần linh. Trong hai ngày cấm, bản không tổ chức trò chơi, múa hát và các hoạt động khác. Mọi người chỉ đến nhà hỏi han tâm sự và uống chén rượu vui vẻ.

Tổ chức lễ cúng xong thì mọi người đến cúng bày biện mâm cỗ rồi cùng ngồi lại ăn vui vẻ.

Lễ cấm bản đặc biệt có những quy định mà dù con cháu, người già trong bản hay khách quý đến đều phải tuân thủ. Những người từ ngoài vào bản trong 2 ngày cấm nếu bị bắt được sẽ phải chịu phạt. Ngày trước người chịu phạt phải mua lợn, gà đúng với lễ mà bản đã tổ chức cúng. Ngày nay thì lễ vật phụ thuộc vào hoàn cảnh của người bị phạt để nộp cho bản cúng, thường thì ít nhất lợn cũng phải được 10kg. Phụ nữ tuyệt đối không được bước vào rừng cấm khi đang làm lễ cúng bản. Nếu người nào không chồng mà chửa thì phải nộp phạt những lễ vật mà bản đã làm và nhờ thầy cúng cúng giúp. Mặt khác, cấm những người đàn ông vào rừng cấm để làm lễ khi vợ đến kỳ kinh nguyệt, vợ đẻ chưa tròn tháng. Người Lự cho rằng, nếu người nào không thực hiện đúng sẽ ảnh hưởng đến cá nhân của người đó trước, thần linh sẽ làm cho ốm đau, bệnh tật. Nếu người đó do cao bóng vía không bắt được thì bắt sang người thân trong gia đình; nếu không bắt được nữa thì sẽ bắt sang thầy cúng.
Người Lự ví Lễ Căm mường là dịp để thể hiện lòng thành kính đối với các vị thần, nhằm mục đích cầu nguyện 1 năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân bản yên vui no ấm. Sau Lễ Căm mường, tất cả mọi người, các gia đình trong bản sẽ sống đoàn kết, thương yêu nhau hơn; phải cố gắng nuôi dạy con cái học hành và sống tốt hơn.

Bài và ảnh: Việt Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN