Lạng Sơn phát triển sản xuất rau an toàn

Thời gian qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao cho Sở NN&PTNT Lạng Sơn triển khai thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) theo hướng VietGAP theo chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi triển khai, các mô hình RAT đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.


Đến nay, toàn tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng được 19 mô hình sản xuất RAT với diện tích gần 20 ha, gồm các loại rau như cải làn, cải bắp, cải hoa vàng, cải đắng, súp lơ xanh, cà chua, dưa chuột, đậu… Ông Hoàng Văn Đảy, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn cho biết: Việc xây dựng các mô hình giúp người dân làm quen với kỹ thuật sản xuất RAT theo hướng VietGAP và đem lại những hiệu quả đáng kể như giảm công lao động, giảm chi phí vật tư (thuốc BVTV, phân bón), giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện sức khỏe cho người sản xuất. Tất cả các khâu từ làm đất, mua giống, phân bón, chăm sóc cây, phun thuốc BVTV, thu hoạch… đều được cán bộ kỹ thuật giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật.


 

Người dân xã Mai Pha - TP Lạng Sơn chăm sóc rau an toàn theo hướng VietGAP.

 

Đặc biệt, các mô hình này đã có tác động lớn đến việc thay đổi tập quán canh tác, góp phần giúp bà con các dân tộc quen dần việc sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường. Lợi nhuận từ sản xuất RAT mang lại cũng lớn hơn nhiều so với sản xuất rau thông thường. Tiêu biểu như mô hình trồng cải bắp tại huyện Bình Gia, trung bình hàng năm đạt năng suất 40 tấn/ha, cho thu nhập khoảng 240 triệu đồng/ha/vụ, hay mô hình trồng cải làn ở xã Mai Pha thành phố Lạng Sơn, năng suất trung bình đạt 22 tấn/ha, cho thu nhập khoảng trên 260 triệu đồng/ha/vụ.


Là một trong những địa phương triển khai mô hình sản xuất RAT, ông Đặng Văn Huân - Chủ tịch UBND xã Tân Liên (huyện Cao Lộc) cho biết: Sản xuất RAT đòi hỏi yêu cầu khắt khe, phải theo đúng quy trình kỹ thuật, từ các tiêu chuẩn về đất, nước tưới, quy trình gieo trồng... Do thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu đó nên sản phẩm làm ra luôn được thị trường ưa chuộng hơn so với sản xuất rau thông thường. Mô hình sản xuất RAT mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, có tác dụng bảo vệ môi trường và đặc biệt là sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực nhân rộng các mô hình sản xuất RAT, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân…


Ông Nông Ngọc Tăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương và mở rộng, phát triển bền vững mô hình trồng RAT theo tiêu chuẩn


VietGap, thời gian tới tỉnh sẽ triển khai thực hiện nhiều mô hình; mở các lớp chuyển giao kỹ thuật gieo trồng; đầu tư hệ thống tưới tiêu thuận tiện; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, nhân rộng các mô hình trồng RAT trên địa bàn. Có như vậy mới tạo được động lực để xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất RAT, góp phần nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, qua đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới trên quê hương Xứ Lạng.


Bài và ảnh: Thái Thuần

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN