Lai Châu chủ động phòng chống thiên tai

Lai Châu đã bước vào cao điểm mùa mưa lũ, cùng với việc tích cực tuyên truyền đồng bào chủ động di dời nơi ở khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh cũng đã lên các phương án xử lý, ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Gần một tuần nay, tuyến đường nối từ trung tâm xã biên giới Nậm Xe tới xã Sin Suối Hồ của huyện Phong Thổ, bị sạt lở hoàn toàn, kéo dài hơn 100m cùng nhiều vết nứt khác khiến giao thông đi lại gần như bị đình trệ. Tuy rất nguy hiểm, nhưng người dân đã tự mở một lối mòn nhỏ ngay dưới cung sạt để khắc phục tạm thời, hỗ trợ phương tiện xe máy đi qua.

Điểm sạt lớn nối xã biên giới Nậm Xe với xã Sin Suối Hồ của huyện Phong Thổ.

Anh Thùng Văn Thêm, dân tộc Thái, ở bản Vàng Thẳm, xã Nậm Xe cho biết: “Chỗ sạt này trước kia chỉ nhỏ thôi, nhưng sau trận mưa lớn vài ngày qua đã to và sụt cả nửa quả đồi, đường trôi hoàn toàn. Bây giờ là thời điểm thu hoạch ngô, tôi cùng vài thanh niên khác trong bản đã tự gạt đất để cho người dân qua lại, thu hái nông sản. Mong chính quyền sớm làm lại con đường để chúng tôi thuận tiện hơn trong công việc hàng ngày”.

Ngay sau khi sạt lở xảy ra, lãnh đạo huyện Phong Thổ đã cùng các cơ quan chuyên môn đến kiểm tra, lên phương án khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông cho bà con, nhất là khi năm học mới đang cận kề. Ông Trần Văn Quế, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: “Trước mắt là san gạt tạo một lối đi cho bà con, đảm bảo lưu thông được xe máy. Còn theo khảo sát của cơ quan chuyên môn, việc khắc phục điểm sạt này không thể thực hiện ngay, do đang trong thời gian cao điểm của mùa mưa lũ. Điểm sạt này vẫn còn dấu hiệu sạt lở lấn sâu và nứt đường. Chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục tạm thời trong thời gian sớm nhất để phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất cho nhân dân”.



Sạt lở đất ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của gười dân địa phương.

Ngay sau khi tổng hợp thiệt hại, huyện Phong Thổ đã triển khai phương án hỗ trợ khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân, với tổng số tiền trên 530 triệu đồng. Nhờ đó, bà con các xã đã khôi phục lại diện tích cây nông nghiệp; với các trường học, chỉ đạo phòng giáo dục, các trường chủ động khắc phục sửa chữa để kịp thời gian bước vào năm học mới; với các công trình giao thông thủy lợi, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn khảo sát lập dự toán kinh phí sửa chữa. Được biết, ngay tại thời điểm này, huyện Phong Thổ có một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã Huổi Luông, xã Sin Suối Hồ đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, đá rơi; nên cơ quan chức năng và xã đã tích cực tuyên truyền, vận động và yêu cầu các hộ di dời ra nơi an toàn để sinh sống.

Ông Bùi Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Huyện Phong Thổ đã xây dựng phương án Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đảm bảo an toàn mùa mưa lũ năm 2016 và chỉ đạo các xã xây dựng phương án Phòng chống thiên tai năm 2016 trên địa bàn 18 xã, thị trấn với phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư và phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ, năm 2016, huyện có 11 điểm có nguy cơ sạt lở cao nằm rải ở các xã vùng cao. Từ đầu mùa mưa tới nay, Phong Thổ bị thiệt hại nhiều do mưa đá, lốc xoáy, mưa lũ với 1.340 hộ bị tốc mái, 3 nhà bị sập hoàn toàn, 7 phòng học bị hư hỏng nặng; hàng trăm hécta hoa màu, gia súc bị chết; nhiều tuyến đường liên xã, liên bản bị sụt sạt nghiêm trọng; thiệt hại về tài sản ước tính hơn 5,6 tỷ đồng.




Bài và ảnh: Quang Duy
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN