Kỳ thú cách tính lịch tiết của người Tà ôi

Lịch tiết tương tự như cách tính âm lịch của người Kinh, dựa vào sự chuyển động của mặt trời, trái đất và mặt trăng.

 

Người dân tộc Tà Ôi định cư nhiều ở các huyện Hướng Hóa- Quảng Trị, huyện A Lưới- Thừa Thiên Huế. Gồm 3 nhóm chính là Tà Ôi, Pa Koo, và Pa Hi, đều có văn hóa, ngôn ngữ tương đồng. Theo số liệu điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Tà Ôi ở Việt Nam có 43.886 người, riêng tỉnh Thừa Thiên-Huế 29.558 người và tại Quảng Trị có 13.961 người. Lịch tiết của người Tà Ôi tương tự như âm lịch của dân tộc Kinh- Việt Nam.

 

Phụ nữ Tà Ôi dệt zèng (thổ cẩm).


Đối với người Tà Ôi, chuyển động của mặt trăng theo chiều khuyết - tròn - khuyết - khuất, được ghi nhận mỗi chu kỳ như thế tương ứng với một tháng trong năm. Nhìn mặt trời biến chuyển trong ngày, người Tà Ôi xác định các giờ trong một ngày. Họ tính giờ dựa vào sự chuyển động của mặt trời, bằng cách quan sát sự chuyển động của mặt trời/ngày. Họ thường lấy bóng của mái nhà Gươl, bóng cây và có khi là bóng của chính con người để tính thời gian trong một ngày.


Khi mặt trời đã lặn, người Tà Ôi tính thời gian căn cứ vào tiếng gà gáy. Nhưng họ chỉ có đơn vị thời gian cụ thể từ 1 giờ đến 18 giờ, còn lại khoảng thời gian từ 19 giờ đến 24 giờ họ không tính đến. Từ 1 giờ sáng đến 5 giờ sáng, người Tà Ôi dựa vào tiếng gà gáy, khi gà trống gáy lần thứ nhất một hơi dài là 1 giờ. Gà gáy lần thứ hai, hai hơi khá dài là 2 giờ sáng. Lần thứ ba gà gáy ba hơi thì đến 3 giờ. Giống như thế, gà gáy lần bốn là 4 giờ và lần thứ năm, gà gáy năm hơi liên tục, báo hiệu 5 giờ.

 

Tiết mục cồng chiêng của Đoàn dân tộc Tà Ôi (tỉnh Thừa Thiên Huế) biểu diễn tại Công viên Văn hóa Đồng Xanh. Thanh Hà - TTXVN


Dựa vào sự biến đổi hình thể của mặt trăng để tính thời gian, nên người Tà Ôi gọi tên mỗi ngày/tháng theo cách của mình. Mồng một là đỏ hườm (kaler), mồng hai là nhú sừng (takoi ngô’h)… Trong lịch của người Tà Ôi chỉ có tháng đủ và tháng thiếu, không có tháng nhuận. Từ đó, họ tính thời vụ dựa vào hình dạng khác nhau của mặt trăng, để vạch ra thời điểm trồng trỉa phù hợp với thời vụ. Do chỉ chuyên canh hai loại cây lương thực chủ yếu là ngô và lúa, nên khoảng thời gian từ tháng 01 đến tháng 4 được người Tà Ôi nhìn vào cây ngô. Cây ngô bắt đầu được trỉa hạt từ tháng 1, hễ thấy lá ngô non mơn mởn là biết cuối tháng 1, ngô trổ đòng kết trái là tháng 2- tháng 3 và khi bắp ngô thu hoạch chất đầy nhà là vào tháng 4.


Sau đó người Tà Ôi xác định các tháng còn lại trong năm, nhìn vào cây lúa. Bắt đầu mùa lúa họ gieo hạt vào tháng 5 và thu hoạch vào tháng 10. Khi mùa rẫy mới bắt đầu, công đoạn gieo hạt thóc giống đã xong là biết hết tháng 4, tháng 5 đã đến. Cuối tháng 5 là lúc nhà nông nghỉ ngơi, chuyển sang công việc vào rừng săn bắn. Tháng 7 và tháng 8 họ làm cỏ mùa để giúp cho cây lúa tốt tươi. Tháng 9 khi cây lúa già bông và chín hạt. Tháng 10 là lúc cả làng lên nương rẫy thu hoạch và chuẩn bị ăn cái Tết cơm mới (Aza). Do cách tính như thế, trong lịch thời vụ của người Tà Ôi chỉ có 2 mùa ngô và lúa, tất cả gồm có 10 tháng.


Cách tính lịch tiết của người Tà Ôi như đã nói trên rất cụ thể, dựa vào mặt trăng, mặt trời, mùa vụ cùng với sự biến đổi của sự vật, hiện tượng tương ứng. Khi tính mùa/năm họ căn cứ vào 4 yếu tố quan trọng nhất là pir (hoa), atooq (nóng), tưm/yur pang (mát/rụng lá), và a- oot (lạnh). Từ đó họ cũng tính một năm có bốn mùa. Mùa xuân (tiếng Pakô là nno piar) được tính từ tháng 1 đến tháng 3. Mùa hè (nno atooq) từ tháng 4 đến tháng 6. Mùa thu (nno uk) từ tháng 7 đến tháng 9. Mùa đông (nno alsăm) chỉ có duy nhất một tháng 10, nhưng dài gấp ba lần các tháng khác trong năm.


Khi mùa đông giá rét qua, người Tà Ôi nhìn thấy hoa rừng đua nở, cây rừng đâm chồi nẩy lộc, đàn ong mật bay đi hút nhị...thì các bản làng nhộn nhịp mở hội đón mùa xuân mới.

Bài và ảnh:Vũ Hào

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN