'Kỹ sư áo nâu' dựng trăm cầu

Người dân ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười (Long An) vẫn thường gọi sư thầy Thích Lệ Tấn là “kỹ sư áo nâu” hay “ông Bụt xây cầu”. Danh sách những cây cầu và việc làm từ thiện của sư thầy Lệ Tấn mỗi ngày một dài ra, chính sư thầy cũng không thể nhớ hết.

Đại đức Thích Lệ Tấn (thứ hai, phải sang) trực tiếp giám sát thi công. Ảnh: phapluattp.vn


Đại đức Thích Lệ Tấn có thế danh là Võ Văn Dực, sinh năm 1950 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Năm 15 tuổi ông xuất gia đi tu vào chùa Thiên Bửu (huyện Cái Bè, Tiền Giang). 

Từ năm 2000 tới nay, sư thầy Thích Lệ Tấn là trụ trì chùa Giác Hoa, huyện Tân Thạnh. Kể từ đó, ông rong ruổi khắp nơi trên chiếc xe máy cũ. Kết quả của sự bận rộn trong 14 năm qua là hơn 100 cây cầu được xây dựng khắp các huyện từ Tân Thạnh, Mộc Hóa đến Tân Hưng, Vĩnh Hưng (Long An) và các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Đồng Tháp. 

Tính riêng từ đầu năm 2014 tới nay, sư thầy Lệ Tấn đã cho xây dựng và giám sát thi công 13 cây cầu các loại; trong đó phải kể đến cầu treo Hậu Thạnh Đông (xã Hậu Thạnh Đông, Tân Thạnh) có chiều dài 80m, rộng 3m, được công nhận là 1 trong 2 cây cầu treo đạt chuẩn về kỹ thuật cũng như độ an toàn cao của tỉnh Long An. 

Tổng số vốn thực hiện cây cầu lên tới 1,6 tỉ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 735 triệu đồng, phần còn lại do sư thầy Lệ Tấn trực tiếp vận động từ các "mạnh thường quân". Cầu treo Hậu Thạnh Đông đi vào hoạt động đã đem lại niềm vui cho rất nhiều người dân hai bên bờ kênh Dương Văn Dương.

Chú Lê Hoàng Mạnh ở ấp Nguyễn Văn Lộc, xã Hậu Thạnh Đông chia sẻ: Trước đây, người dân hai bên bờ kênh muốn qua lại phải đi đò ngang rất vất vả. Đặc biệt là các cháu học sinh đi đò đến trường trong mùa lũ vô cùng nguy hiểm. Chưa kể những khi đêm hôm, có người bệnh nặng mà gọi đò không được đành phải đợi tới sáng. 

Từ khi có cầu treo Hậu Thạnh Đông, cuộc sống người dân thay đổi hẳn, học sinh có thể đi xe đạp qua cầu đến trường rất an toàn. Cầu rộng lại chắc chắn nên xe ô tô có thể chạy qua, người dân không còn lo lắng khi có việc đột xuất. Cầu treo Hậu Thạnh Đông cũng lập kỉ lục là cây cầu treo có thời gian thi công ngắn nhất trong vùng, chỉ sau 55 ngày xây dựng đã được đưa vào sử dụng. 

Hiện nay, sư thầy Thích Lệ Tấn đang cho khởi công cầu bê tông dân sinh, dẫn vào trụ sở UBND xã Nhơn Ninh, với chi phí khoảng 800 triệu đồng; Nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng, sư thầy vận động được 300 triệu đồng. 

Ông Võ Văn Chương, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Ninh cho biết: Đây là cây cầu thứ 5 tại Nhơn Ninh do sư thầy Lệ Tấn đứng ra vận động quyên góp tiền ủng hộ và tổ chức thi công. Trong những năm qua, nhờ sự giúp sức của sư thầy mà hệ thống giao thông trong xã dần được cải thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu xây dựng xã nông thôn mới. 

Để đảm bảo chất lượng và giảm chi phí các công trình, sư thầy tự mình lên Thành phố Hồ Chí Minh đặt mua vật liệu và trực tiếp giám sát thi công. Sư thầy Lệ Tấn cho biết, làm cầu theo kiểu nhà quê nên cứ phải chắc và bền. Từng tấm bê tông, từng thanh thép phải đảm bảo chất lượng như trên bản thiết kế. Nhiều lúc cầu đang thi công thì hết tiền, thầy phải tiếp tục đi vận động các nhà hảo tâm hoặc đứng ra chịu nợ vật liệu chứ nhất định không thay đổi kết cấu của cầu. 

Nhờ vậy, nhiều cây cầu nhỏ được làm với mục đích đi lại trong thời gian ngắn nhưng trải qua hơn 10 năm sử dụng vẫn rất chắc chắn và an toàn. Dù chưa từng học qua trường lớp nào về xây dựng nhưng sư thầy phân tích công thức trộn bê tông, cách tính độ chịu lực, tải trọng của cầu chẳng khác nào một kỹ sư dày dạn kinh nghiệm. Bởi vậy nên mọi người thân mật gọi sư thầy là “kỹ sư áo nâu”. 

Những ngày không đi xây cầu, sư thầy Lệ Tấn lại bận rộn với những hoạt động từ thiện khác như: cấp gạo cho người nghèo, tặng học bổng cho trẻ em, hỗ trợ mổ mắt miễn phí, tặng quà các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách. Số tiền mà sư thầy Lệ Tấn vận động, quyên góp cho công tác từ thiện từ năm 2009 - 2013 là hơn 13 tỉ đồng, riêng từ đầu năm 2014 tới nay là gần 5 tỉ đồng. 


Khi được hỏi làm thế nào để một nhà sư bao năm vẫn gắn bó với chiếc xe máy cũ có thể vận động được số tiền làm từ thiện lớn đến vậy, ông cười chia sẻ: Nhờ đi xe máy cũ nên thầy vận động làm từ thiện và được nhiều người thương nhưng cái chính vẫn là cái tâm trong sáng được mọi người tin tưởng. 

Những công trình sư thầy đứng ra làm đều thực hiện nguyên tắc minh bạch về tài chính và chất lượng. Những nhà hảo tâm nhìn thấy đóng góp của họ thật sự có ích cho người dân nghèo thì hết lòng ủng hộ. Sự tin tưởng của người này sẽ kéo thêm sự ủng hộ của những người khác. 

Dù đã bước qua tuổi 64 nhưng sư thầy Lệ Tấn cho biết, chừng nào còn đủ sức khỏe thì ông còn xây cầu và giúp đỡ những người khó khăn. Đó không chỉ là “ăn mày người giàu để bố thí cho người nghèo” mà còn là tình thương và Phật sự mà sư thầy dành cho đời. 

Bà Trần Thị Huê, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh cho biết: Đại đức Thích Lệ Tấn sống rất gần gũi với người dân. Không chỉ miệt mài với công tác vận động xây cầu, làm từ thiện, ông còn là một đại biểu HĐND được mọi người tín nhiệm của huyện Tân Thạnh. Sư thầy luôn gắn đạo lý của nhà Phật với những việc làm thiết thực, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. 

Với những đóng góp và cống hiến trong suốt thời gian qua, sư thầy Thích Lệ Tấn đã vinh dự được các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều Bằng khen về thành tích trong công tác xã hội, từ thiện; được Trung tâm xác lập kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nhà sư vận động xây cầu và thực hiện các công trình từ thiện nhiều nhất tỉnh Long An.


Xuân Anh (TTXVN)

Cần sớm xây cầu cho đồng bào xã Đắk Ngo

Cầu Đắk Nguyên nằm trên đường từ xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức đi xã Quảng Tín, huyện Đăk R’lâp (tỉnh Đắk Nông), là tuyến giao thông quan trọng, mỗi ngày có hàng ngàn lượt người qua lại để đi làm rẫy, đi học và vận chuyển nông sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN