Kịp thời 'giải khát' cho người dân khu tái định cư dự án thủy điện Ia Ly

Từ đầu tháng 3 đến nay, người dân ở làng Kà Bầy, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy (Kon Tum) thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Đây không phải lần đầu làng Kà Bầy trở thành điểm nóng về thiếu nước mỗi khi bước vào mùa khô.

Điểm cấp nước sạch cho bà con làng Kà Bầy.

Với 67 hộ và gần 400 khẩu, là khu vực tái định cư lòng hồ thủy điện Ia Ly nhưng thực tế làng Kà Bầy lại cách rất xa nguồn nước. Tại đây cứ 2 nhà được dự án cho đào một giếng dùng chung.

Tuy nhiên, nguồn nước giếng này chỉ đủ dùng trong mùa mưa. Từ cuối tháng 2/2017, tất cả các giếng nước trong làng đã bị khô hạn. “Giếng nước dùng chung của nhà mình và A Riểu đã cạn từ đầu tháng nên phải ra giọt để lấy nước về dùng. Vất vả lắm!”, chị Y Mơn cho biết.

Trong khi đó, nguồn nước duy nhất của làng để dùng tắm rửa, giặt và ăn uống là lòng suối cũng bị cạn. Để có nước dùng, người dân đã đào hố nhỏ ở dưới lòng suối và múc nước từ hố này để tắm giặt.

Bên cạnh đó, để có nước ăn, uống bà con phải dùng ống tre cắm vào thành suối nhằm dẫn nước sinh thuỷ từ lòng đất tuy nhiên lượng nước cũng rất ít. Mỗi khi lấy nước, người dân phải xếp hàng chờ nhau.

Hơn nữa, để tới được khu vực này hứng lấy từng giọt nước (cách làng khoảng 1km), mọi người phải đi theo một con dốc dựng đứng rất nguy hiểm.

Việc thiếu nước khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, thời gian lên nương làm rẫy bị hạn chế do phải đi lấy nước về dùng.

Bà Y Krế ở làng Kà Bầy chia sẻ: “Buổi sáng trước khi đi làm là phải lo lấy nước về nấu cơm, đồ ăn. Trưa, chiều các cháu, con đi học về, tranh thủ gùi thêm nước về dùng. Ở nhà, người lớn cũng lo gùi nước. Mỗi lần 2 gùi, chưa kể các thùng nước nhỏ kèm theo để về nấu cơm ăn, rửa rau và sinh hoạt”.

Trước thực trạng thiếu nước tại làng Kà Bầy, chính quyền xã Sa Bình đã chủ động trong việc “giải khát” cho dân. Theo đó, tại làng Kà Bầy, xã cho đặt 2 thùng phi nước, mỗi thùng chứa 5.000 lít nước để cung cấp cho dân nấu ăn, uống. Riêng nước tắm giặt, dân phải ra suối hứng. Đ iểm đặt thùng nước là tại khu vực trung tâm mỗi nhánh đường.

Hàng ngày vào buổi sáng, trưa và chiều, xã thuê xe chở nước (bơm từ giếng khác trong xã) về cấp cho dân. Mỗi ngày cấp 25 m3 tại mỗi thùng (cấp 5 lần/ngày). Nhờ sự chủ động vào cuộc kịp thời, người dân Kà Bầy không còn thiếu nước để sinh hoạt.

“Đến nay người dân ở các thôn, làng thiếu nước cơ bản có nước sử dụng. Bà con rất mừng và phấn khởi”, Chủ tịch UBND xã Sa Bình Nguyễn Minh Thuận cho biết. Ngoài việc cấp nước, chính quyền tuyên truyền vận động người dân sử dụng chung giếng nước và tổ chức nạo vét, khơi thông đáy giếng để đảm bảo nước sinh hoạt.

Theo Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy Nguyễn Ngọc Sâm, để dân không bị thiếu nước vào mùa khô, huyện đang xem xét thực hiện xã hội hoá, kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ chi phí cấp nước cho dân.

Đồng thời, tiến hành khảo sát và đầu tư một số giếng nước tập trung tại các vị trí hứng được nước từ thành suối, khe suối gần làng để cung cấp nước cho dân.

Ngoài ra, huyện cũng nghiên cứu xây dựng một số bể tập trung để dự trữ nước mưa cung cấp nước vào mùa khô hạn và chủ trương đầu tư một số công trình nước tự chảy tập trung tại thị trấn cùng các xã lân cận.
 
Bài và ảnh: Cao Nguyên (TTXVN)
Bất cập hậu tái định cư hồ chứa Nước Trong
Bất cập hậu tái định cư hồ chứa Nước Trong

Mấy trăm hộ đồng bào Cor nằm trong diện được đền bù, giải tỏa của Dự án Hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa nước Nước Trong, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) đang rơi vào thế khó, do những cách làm mang tính “cho có” từ phía những người thực thi chính sách hỗ trợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN