Kinh nghiệm vận động học sinh vùng cao

Thầy Nguyễn Văn Duy, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: Huổi Luông là xã vùng cao biên giới, có địa hình rộng và hiểm trở. Đồng bào ở đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số Mông, Hà Nhì, Dao. Đời sống kinh tế xã hội của xã còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế.

Người dân xã Huổi Luông ở rải rác thành từng bản nhỏ với khoảng 60 hộ/bản. Có nhiều bản cách xa trường hàng chục cây số. Vào mùa mưa, các cán bộ, thầy cô xuống bản chủ yếu là đi bộ, vì thế, nhà trường rất khó tiếp cận để tuyên truyền, vận động học sinh tới trường. Ngoài ra, ở những bản xa trường, đa số phụ nữ và người già không thạo tiếng phổ thông. Người dân chưa thấy được lợi ích của việc cho con đi học nên chỉ để con em mình tự lựa chọn.

Những điều đó khiến việc huy động học sinh ra lớp của nhà trường trước đây gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyển học sinh vào lớp 6 của trường thường kéo dài từ tháng 6 đến đầu tháng 9 hằng năm. Sau đó, khâu duy trì số học sinh cũng gặp khó khăn tương tự. Nhiều học sinh ở xa trường xin về nhà hoặc tự ý về nhà từ thứ sáu tuần này đến tận thứ ba tuần sau mới ra lớp. Nhiều học sinh còn ngại đi lại xa xôi, đợi có người nhà đưa đi mới đi học. Riêng học sinh nữ đến lớp 8, lớp 9, nhiều em có biểu hiện chểnh mảng việc học, thậm chí bỏ học...

Học sinh tại huyện Phong Thổ trên đường tới trường. Ảnh: Quý Trung–TTXVN


Trước thực trạng đó, Ban Giám hiệu trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở xã Huổi Luông đã thực hiện phương châm "kịp thời, nhanh và quyết liệt" từ việc thông báo tuyển sinh, huy động học sinh ra lớp đầu năm đến vận động những học sinh có dấu hiệu nghỉ học ra lớp. Khi Ban Giám hiệu nhà trường sang đề xuất với ban, ngành, đoàn thể của xã về việc vận động học sinh đi học đầy đủ, đều có giáo viên chủ nhiệm của lớp đó đi cùng, cung cấp đầy đủ các thông tin về học sinh cần vận động; đồng thời thống nhất ngay phương án vận động và thường tổ chức thực hiện ngay trong ngày hôm đó.

Với "đặc thù" ở xã Huổi Luông, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục thường xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã để thực hiện nhiệm vụ. Mỗi lần sang xã đề nghị hỗ trợ việc vận động học sinh, nhà trường bố trí Hiệu trưởng đến làm việc với Bí thư Đảng ủy còn giáo viên chủ nhiệm sang gặp Trưởng ban chỉ đạo phổ cập. Nhờ đó việc vận động đã đạt được hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhà trường và mỗi giáo viên luôn chủ động quan tâm đến học sinh; kịp thời nắm bắt tâm lý, đặc điểm hoàn cảnh của từng học sinh để có cách tiếp cận phù hợp. Các giáo viên chủ nhiệm lưu số điện thoại của các thành viên trong Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục ở xã, các phụ huynh, thậm chí của cả học sinh nếu học sinh có điện thoại. Ngoài ra, nhà trường và từng lớp còn tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu lao động...

Giáo viên đến các bản trong xã để vận động các gia đình cho con ra lớp. Ảnh: Quý Trung-TTXVN


Theo thầy giáo Nguyễn Văn Duy, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Huổi Luông, đối với những trường vùng sâu, vùng xa,việc huy động duy trì số lượng học sinh và nâng cao chất lượng dạy học có quan hệ biện chứng với nhau. Có huy động duy trì được số lượng thì mới nâng cao được chất lượng giáo dục. Ngược lại, trường có chất lượng, có uy tín, người dân mới tin tưởng đưa con đi học.


Với quan điểm đó, nhà trường luôn quan tâm phụ đạo cho học sinh yếu kém; ưu tiên, tạo điều kiện, có chế độ đãi ngộ, động viên liên tục, kịp thời cho các giáo viên được giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi. Các giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn tìm hiểu phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống riêng của các dân tộc trên địa bàn, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh và giao tiếp với nhân dân. Nhà trường còn phối hợp với Đồn biên phòng Huổi Luông rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, giáo dục học sinh làm theo 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng...

Với "bí quyết" đó, hằng năm nhà trường luôn huy động được từ 90 - 95% học sinh trong độ tuổi đến trường; tỷ lệ duy trì luôn đạt từ 95 - 98% học sinh. Tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 85% trở lên. Tỷ lệ học sinh yếu giảm từ 16,7% năm học 2012 - 2013 xuống còn 14% trong năm học 2013- 2014. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng từ 19,8% năm học 2012 - 2013 lên 22,3% ở năm học 2013- 2014. Năm học 2013 - 2014, trường có một học sinh đoạt giải nhì cấp tỉnh và một học sinh đoạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Số giáo viên đăng ký tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi năm học 2013 - 2014 cũng tăng từ 2 lên 8 giáo viên so với năm học 2012 - 2013.

Ông Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho rằng: Ở vùng sâu, vùng xa, nơi nào cũng làm được như trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Huổi Luông, công tác giáo dục sẽ có sự tiến bộ vượt bậc.


Nguyễn Công Hải
Lớp học đặc biệt trên đỉnh núi Cha
Lớp học đặc biệt trên đỉnh núi Cha

Tháng 8 ở xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải, Yên Bái), mưa trút xuống từng đợt dai dẳng khiến các con đường bị sình lầy, khó đi. Nhưng điều ấy chẳng thể ngăn những bàn chân nối nhau rạch bùn trong đêm, hướng về lớp học xóa mù chữ ở các thôn bản hẻo lánh nằm lưng chừng ngọn núi Cha.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN