Khó vận động giảm sinh ở huyện biên giới Sông Mã

Tại nhiều xã vùng sâu, vùng xa của huyện biên giới Sông Mã, tỉnh Sơn La, tình trạng sinhh nhiều con vẫn diễn ra phổ biến. Hệ lụy là nhiều gia đình không có điều kiện tốt để chăm sóc, nuôi dạy con cái; quỹ đất khan hiếm dẫn đến cuộc sống khó khăn.

Gia đình anh Vàng Phá Di ở thôn Pá Lâu, xã Pú Bẩu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Căn nhà tuềnh toàng được làm bằng tre nứa của gia đình anh Vàng Phá Di ở thôn Pá Lâu, xã Pú Bẩu, nằm chơi vơi trên đỉnh núi. Bên trong nhà anh hầu như không có gì đáng giá, chỉ có mấy cái xoong nồi đã cũ và một ít gạo được trợ cấp. Năm nay, mới 42 tuổi nhưng anh Di đã có tới 9 người con. Gia đình không có tiền chữa trị nên ba người con của anh đã bị mất sớm vì bệnh tật. Hiện nay, các con của anh phải nhờ người thân nuôi giúp.

Anh Di chia sẻ, do không hiểu biết nên mới sinh nhiều con như vậy. Hiện nay, gia đình anh không có đất làm nương rẫy, hàng ngày phải lên rừng kiếm củ mài, củ sắn về độn với cơm để ăn. Do gia đình nghèo, không có tiền nên hầu hết các con không được đi học.

Cũng tại xã Pú Bẩu, gia đình chị Thào Thị Si (44 tuổi) ở thôn Mạ Mẩu, không khác gì hộ anh Di. Chị Si lấy chồng khi mới 15 tuổi, đến nay đã có 9 người con (5 trai, 4 gái), đứa nhỏ nhất mới 10 tháng tuổi. Hiện nay, cuộc sống gia đình chị chỉ phụ thuộc vào diện tích trồng lúa ít ỏi nên gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, các con chị không được học hành đến nơi đến chốn, phải ở nhà làm nương rẫy và lập gia đình sớm.

 "Gia đình sinh nhiều con khổ lắm, vì không có đất để sản xuất, không có điều kiện để cho các con học hành bằng bạn bè. Cho nên bà con đừng sinh nhiều con như gia đình tôi hiện nay, hãy sinh ít con để cuộc sống gia đình ổn định", chị Si bộc bạch.

Ông Vừ A Phía, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Bẩu cho biết: Pú Bẩu là một xã vùng sâu của huyện Sông Mã, đường xá đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa nên đã ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình. Cùng với đó, việc kết hợp trong công tác tuyên truyền về công tác dân số từ xã đến bản còn hạn chế, chưa sâu rộng đến bà con nên nhiều vẫn sinh con thứ ba trở lên. Hiện nay, tỷ lệ sinh con thứ ba của Pú Bẩu chiếm gần 50% và tập trung chủ yếu ở các bản Mạ Mẩu, Pá Lâu; trong đó, có một số hộ sinh đến tám, chín người con. Các hộ sinh nhiều con trong xã đều là hộ nghèo, đời sống rất khó khăn, thiếu thốn, con cái không được học hành như các gia đình khác.

Năm 2016, tổng số trẻ sinh ra trên toàn huyện Sông Mã là trên 2.600 trẻ; trong đó, trẻ là con thứ ba trở lên chiếm khoảng 18% tổng số trẻ sinh. Đặc biệt, tại các xã vùng cao mỗi năm có khoảng 30 cặp vợ chồng sinh con thứ ba; độ tuổi kết hôn trung bình là 15 tuổi và đa số các cặp vợ chồng đều không có giấy đăng ký kết hôn.

Bà Lại Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Sông Mã cho biết: Điều khó khăn trong công tác dân số - kế hoạch gia đình ở địa phương trong thời gian qua là địa bàn của huyện rộng, đường xá đi lại khó khăn, nên công tác tuyên truyền gặp nhiều hạn chế. Cùng với đó, trình độ dân trí ở đây không đồng đều, vẫn còn những hủ tục lạc hậu và tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Do đó, dẫn đến tình trạng nhiều gia đình vẫn muốn sinh đông con, đặc biệt là sinh con trai. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các ban, ngành của huyện với thành viên Ban chỉ đạo công tác dân số ở các xã, thị trấn cũng chưa được thường xuyên, đặc biệt những xã vùng sâu, vùng xa như Pú Bẩu. Ngoài ra, đội ngũ cộng tác viên dân số của huyện, tuy đã được củng cố, kiện toàn, tập huấn nhưng năng lực còn hạn chế.

Để khắc phục tình trạng sinh nhiều con trên địa bàn, bà Hương cho rằng, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và phải đưa công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình vào mục tiêu phát triển của các xã, thị trấn. Mặt khác, để thực hiện tốt chính sách giảm sinh, cán bộ, công chức phải ký cam kết thực hiện chính sách dân số và làm gương cho mọi người; đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là tuyên truyền về Pháp lệnh Dân số, Luật Hôn nhân và Gia đình. 

Bên cạnh đó, cần tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số ở các bản, tổ dân phố, để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, các ban, ngành của huyện Sông Mã cần xử lý nghiêm đối với những trường hợp cán bộ vi phạm về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Nguyễn Cường (TTXVN)
Nan giải giảm sinh con thứ 3
Nan giải giảm sinh con thứ 3

Tại một số xã vùng cao của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, việc giảm tỷ lệ sinh con thứ ba vẫn gặp nhiều khó khăn do tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN