Ia Dom - xã nông thôn mới đầu tiên trên tuyến biên giới Tây Nguyên

Đầu năm 2016, xã Ia Dom thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, đã được công nhận là xã nông thôn mới. Đây là xã đầu tiên ở tuyến biên giới vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng "về đích" sớm nhất trong xây dựng nông thôn mới.

Vườn tiêu kinh doanh của hộ nông dân dân tộc Jơ Rai xã Ia Dom. Ảnh: Sỹ Huynh/TTXVN

Ở xã Ia Dom, phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy tiềm năng đất đai, lao động... tạo ra sản phẩm dồi dào và mang lại nguồn thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo đã được thực hiện hiệu quả. Toàn xã hiện có gần 6.000 ha đất canh tác và đều đã được đưa vào sản xuất, không còn tình trạng bỏ đất hoang hóa như trước đây. Đặc biệt, đồng bào ở Ia Dom đã chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng vật nuôi, từ việc trồng các loại cây truyền thống có năng suất thấp và bấp bênh, người dân đã dần chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị cao như cà phê, hồ tiêu, điều... mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Đời sống của người dân trên địa bàn xã ngày càng được nâng cao, hộ nghèo giảm mạnh hàng năm. Năm 2011 toàn xã còn đến gần 22% hộ nghèo, nay đã giảm xuống còn 5,75%. Mức thu nhập hàng năm của người dân trên địa bàn tăng nhanh, từ chỗ chỉ có mức thu đạt khoảng 7 triệu đồng/người/năm, nay đã tăng lên hơn 23 triệu đồng/người/năm.

Ở Ia Dom hôm nay đã xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất giỏi như hộ gia đình ông Hoàng Văn Thanh, dân tộc Tày (làng Mook Đen) sở hữu 6 ha cao su kinh doanh, 4 ha mì, mỗi tháng cho thu nhập hơn 15 triệu đồng. Đặc biệt là trường hợp anh Rơ Châm Tích, dân tộc Jrai (làng Mook Đen 1), trước đây thuộc diện hộ nghèo, nhưng nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật trồng cao su, trồng cà phê kết hợp các loại cây ngắn ngày nên hiện gia đình anh đã có thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm.

Về Ia Dom hôm nay, màu xanh của cây trái phủ kín đất đồi, đất vườn. Hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn đã được mở rộng và nâng cấp bằng việc cứng hóa các trục đường liên thôn, liên xã và phần lớn đường nội đồng, không còn cảnh bụi bặm về mùa khô và lầy lội vào mùa mưa. 100% buôn làng trong xã đều có điện lưới quốc gia với hơn 98% số hộ được sử dụng điện lưới phục vụ cho việc sản xuất và sinh hoạt. Trường lớp học được xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào trong xã, độ tuổi từ mầm non đến bậc trung học cơ sở.

Đặc biệt, Ia Dom là xã biên giới vùng sâu, vùng xa nhưng lại có một khu chợ khá sầm uất, với hàng chục gian hàng buôn bán đủ loại từ nông sản, thực phẩm cho đến các mặt hàng may mặc. Đây cũng là khu chợ trung tâm của các xã lân cận, hàng ngày lượng người đến mua bán, trao đổi hàng hóa ở chợ khá lớn.

Xã Ia Dom có 8 buôn làng với 1.365 hộ và gần 7.000 nhân khẩu, trong đó người dân tộc bản địa J'rai chiếm hơn 30% số dân. Điểm xuất phát kinh tế - xã hội ở Ia Dom rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 còn gần 22%. Thời điểm đó, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn diễn biến phức tạp. Thế nhưng, chỉ sau 5 năm (2011 - 2015) Ia Dom thực hiện xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, diện mạo của xã đã có nhiều thay đổi. Trên cơ sở sự đồng thuận cao của người dân, xã Ia Dom đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện có kết quả 19 tiêu chí nông thôn mới trong thời gian ngắn nhất và đạt chất lượng cao. Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình là hơn 52 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 20 tỷ đồng, nguồn kinh phí còn lại chủ yếu là vốn vay và dân đóng góp.

Ông Ngô Hữu Thiện, Chủ tịch UBND xã Ia Dom cho biết, để đạt được 19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới trong một thời gian ngắn là nhờ sự đoàn kết và chung sức chung lòng của người dân trên địa bàn, cùng với sự đầu tư mang tính căn cơ của Nhà nước. Người dân đã tự nguyện hiến đất để mở rộng đường đi, làm lớp học, làm tường rào theo đúng quy hoạch...

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của lực lượng Biên phòng tỉnh Gia Lai đóng chân trên địa bàn đã giúp đồng bào nâng cao trình độ văn hóa, phát triển sản xuất theo phương thức "cầm tay chỉ việc". Trong quá trình xã Ia Dom triển khai xây dựng nông thôn mới, lực lượng Biên phòng (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) đã huy động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ địa phương trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn biên giới phát triển bền vững. Những người lính mang quân hàm xanh đã hỗ trợ xã Ia Dom xây dựng 6 căn nhà tình nghĩa trị giá 300 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh ở các thôn làng, góp phần cùng địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Văn Thông (TTXVN)
Khát vọng đoàn kết trong thơ ca người Mảng
Khát vọng đoàn kết trong thơ ca người Mảng

Dân tộc Mảng ở tỉnh Lai Châu, là một trong những dân tộc ít người đã góp phần phát triển vùng Tây Bắc. Trong quá trình hình thành và phát triển, người Mảng đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu trong sản xuất, ứng xử với thiên nhiên... thể hiện dưới hình thức thơ ca dân gian.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN