Huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách dân tộc

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách mới để đầu tư, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tuy nhiên nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế. Làm thế nào để huy động nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp, từ các tổ chức quốc tế nhằm chung tay xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng chí Giàng Seo Phử (ảnh), Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chia sẻ với đồng bào thông qua báo Tin Tức - TTXVN.

 

Năm 2013, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách mới để hỗ trợ đồng bào vùng dân tộc miền núi. Xin Bộ trưởng cho biết tiến độ thực hiện những chính sách mới này?


Năm 2013, mặc dù đất nước có rất nhiều khó khăn nhưng Ủy ban Dân tộc với chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, triển khai các đề án, chương trình chính sách mới để hỗ trợ cho đồng bào vùng dân tộc và miền núi.

Ủy ban Dân tộc đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách mới, cụ thể là Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2015; sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 về chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020.

Tiếp đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-UBDT công nhận 18.279 thôn đặc biệt khó khăn, 1.881 xã khu vực I, 1.289 xã khu vực II và 2.068 xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, giai đoạn 2012-2015 thuộc 50 tỉnh. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định số 582/QĐ-UBDT, ngày 18/12/2013, phê duyệt 3.506 thôn đặc biệt khó khăn, trong đó 3.330 thôn thuộc xã khu vực II và 176 thôn thuộc xã khu vực I vùng dân tộc và miền núi, của 49 tỉnh đưa vào đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và 2015.


Tuy nhiên, chính sách của chúng ta còn đang có những bất cập, sự phân công quản lý, điều hành các chương trình của chúng ta còn chồng chéo, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng; bố trí các nguồn lực thiếu hụt, không đủ để thực hiện các mục tiêu của các chính sách; đặc biệt, một số chính sách ban hành nhưng việc bố trí ngân sách đang ở tỷ lệ thấp như: chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc; Chương trình 135 năm 2013 đạt mức độ thấp, chương trình về nước sinh hoạt, đất sản xuất cho người nghèo vùng khó khăn chưa bố trí được vốn… bất cập này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan cộng với những khó khăn về thiên tai, lũ quét làm cho đời sống đồng bào đã khó khăn lại thêm khó khăn hơn.

 

Hiện nay, các chính sách cho vùng dân tộc và miền núi vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn của Nhà nước, vậy ngoài nguồn vốn đó chúng ta có thể huy động vốn từ đâu, thưa Bộ trưởng?


Với quan điểm tất cả vì người nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đang hết sức tích cực chủ động, phối hợp với các bộ ngành triển khai có hiệu quả các chính sách đã ban hành, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đặc biệt kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ bổ sung định mức, nguồn lực thực hiện chính sách. Trước tình hình khó khăn của ngân sách nhà nước thì vấn đề xã hội hóa, huy động các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp để thực hiện chính sách cho vùng đồng bào dân tộc là vấn đề hết sức quan trọng.

Trước hết chúng ta phải sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước; thứ hai là tận dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, ví dụ như thực hiện Chương trình 135 trong những năm qua, được các tổ chức quốc tế, UNDP và các nhà tài trợ, ủng hộ. Tháng 12/2013 vừa qua, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ký Thỏa thuận tài trợ của Chính phủ Ai Len với Chính phủ Việt Nam với trị giá 13,29 triệu euro trong năm 2013- 2015. Đây là nguồn lực chỉ dành cho 8 tỉnh khó khăn nhất của đất nước.


Trong thời gian tới, cần tiếp tục kêu gọi các nguồn lực đầu tư, ủng hộ từ cộng đồng và các nhà từ thiện trong nước cũng như quốc tế, cũng như phát huy nội lực của các địa phương và người dân, các dòng họ, dòng tộc của đồng bào dân tộc để làm sao để có thêm nguồn lực triển khai tốt nhất các chính sách của Đảng, Nhà nước, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng bào các dân tộc chủ động, vươn lên sớm thoát nghèo. Một vấn đề nữa là việc sử dụng nguồn lực phải hết sức tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát và phải xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm để đảm bảo các nguồn lực thực sự đến tay đối tượng được thụ hưởng một cách hiệu quả nhất.


Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Trọng Thủy(thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN