Hướng thoát nghèo từ chăn nuôi đại gia súc

Khu vực trung du và miền núi phía Bắc (MNPB) có nhiều đồng cỏ trên các cao nguyên độ cao 600 - 700 m, nên ngành chăn nuôi trâu, bò (lấy thịt và sữa), ngựa, dê… phát triển mạnh. Chăn nuôi được xác định là ngành sản xuất chính, mang lại nguồn thu lớn cho đồng bào.

 

Sản xuất còn manh mún


TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Việc phát triển chăn nuôi gia súc tại đây chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ và tập quán lạc hậu chăn thả tự do vẫn còn khá phổ biến ở các vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc nên năng suất thấp; do quản lý lỏng lẻo, chăn nuôi lại phân tán và tập quán chăn nuôi thả rông nên dẫn tới nhân rộng cận huyết và thoái hóa giống.


 

Nhiều hộ đồng bào nuôi vỗ béo trâu tăng hiệu quả kinh tế.

 

Trên thực tế, chăn nuôi gia súc lớn là một trong những nghề chính phát triển kinh tế MNPB. Các thương hiệu của sản phẩm chăn nuôi ở MNPB đã hình thành thương hiệu trên thị trường nội địa như: sữa tươi Mộc Châu, trâu mốc Tuyên Quang, dê cỏ Hà Giang, ngựa bạch Lạng Sơn… Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi đánh giá: Đồng bào MNPB vẫn chủ yếu chăn nuôi các giống địa phương và chăn thả tận dụng nên năng suất thấp. Sức sinh sản kém nên tốc độ tăng đàn chậm do chủ yếu phối giống trực tiếp tự do, trong khi chăn nuôi lại phân tán nhỏ lẻ. Một nguyên nhân khá quan trọng kìm hãm sự phát triển chăn nuôi là công tác xây dựng chuồng trại, thức ăn chăn nuôi và khai thác thị trường yếu kém nên chăn nuôi ở MNPB còn bị động. Bên cạnh đó, hiệu quả chăn nuôi tại khu vực này cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: khí hậu, điều kiện, tập quán chăn nuôi, quy hoạch đất đai…

 

Phát triển chăn nuôi hàng hóa


Các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi đánh giá, để phát triển chăn nuôi hàng hóa, chăn nuôi gia súc lớn khu vực này cần phải được khuyến khích theo hướng phát triển hình thức trang trại, gia trại, từng bước công nghiệp hóa và sản xuất sản phẩm sạch, giúp đồng bào các dân tộc ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội.


Các giải pháp chính mà Cục Chăn nuôi đưa ra là tập trung vào công tác quy hoạch, giống, thức ăn thô xanh, kiểm soát dịch bệnh và môi trường, công tác phát triển hệ thống cán bộ, đặc biệt là mạng lưới cán bộ cơ sở. Công tác quy hoạch vùng chăn nuôi cần được các tỉnh xây dựng càng sớm càng tốt trên cơ sở phối hợp hợp lý với các quy hoạch về cơ sở hạ tầng và giáo dục.

 

Khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, nhưng vẫn phát triển chăn nuôi nông hộ có kiểm soát. Công tác giống cần được đẩy mạnh một cách tích cực, vừa bảo tồn được các vật nuôi bản địa quý vừa xã hội hóa công tác giống, đặc biệt phát triển mạng lưới thụ tinh nhân tạo.
Bên cạnh đó, các địa phương cần có chính sách ưu đãi tín dụng trong việc phát triển cỏ trồng thâm canh có tưới nước mùa khô: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số hỗ trợ 100% giống cỏ năm đầu. Đối với chăn nuôi nông hộ, các tỉnh dành nguồn vốn cho các hộ chăn nuôi vay để cải tạo chuồng trại, mua con giống ban đầu để phát triển sản xuất hoặc chuyển đổi sản xuất. Nhà nước hỗ trợ 100% hoặc 50% lãi suất cho các gói vay này.


Bài và ảnh: Thu Thủy -Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN