Hội đua ngựa thồ vùng cao

Đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh sống ven sườn núi, đi lại khó khăn. Họ thường dùng ngựa để thồ thóc, ngô… từ nương về nhà, từ nhà xuống chợ. Ngựa trở thành con vật gần gũi và thân thiện người vùng cao.

Hàng năm, sau mùa vụ, các dân tộc tổ chức vui hội, trong đó có nội dung đua ngựa để thể hiện tính thượng võ và gìn giữ bản sắc văn hóa vùng miền.

Lễ hội đua ngựa thồ vùng cao thu hút du khách đến xem và cổ vũ không phải chỉ bởi tính gay cấn trên đường đua, mà còn ở sự độc đáo. Những chú ngựa đến với trường đua không phải là ngựa chuyên nghiệp mà là ngựa thồ hàng thường ngày. Vận động viên cũng không phải là những chàng “kỵ sĩ” mà là chủ nhân thân thiết của chú ngựa đó. Trường đua của các chàng “kỵ sĩ” cũng rất đặc biệt, thường là khoảng đất trống, hoặc ruộng bậc thang nằm giữa các dãy núi trùng điệp.

Trong cuộc đua, các “kỵ sĩ” hồn nhiên tranh tài trong tiếng hò reo, cổ vũ khán giả. Họ không có yên cương, cũng chẳng dùng bàn đạp chân. Dụng cụ duy nhất để điều khiển ngựa là dây cương làm từ thừng bện và một chiếc mũ bảo hiểm đội trên đầu để bảo đảm an toàn. Muốn giữ thăng bằng, những chàng “kỵ sĩ” phải ngồi đúng vào điểm lõm gần vai, hai chân kẹp chặt vào bụng ngựa và nhấp nhổm lên xuống theo nhịp phi của ngựa. Do chưa được làm quen với đường đua nên các chú ngựa chỉ biết cắm đầu phi.

Cuộc sống dù khó khăn vất vả, nhưng khi vào cuộc chơi, người vùng cao đã khẳng định được sức mạnh, lòng quả cảm, tinh thần phóng khoáng, hồn nhiên. Lễ hội đua ngựa thồ của đồng bào dân tộc vùng cao đã trở thành nét đẹp truyền thống mang ý nghĩa thượng võ và thể hiện tình đoàn kết của người dân sống trên một vùng đất.

Dù là “kỵ sỹ” chân đất, “kỵ mã” thồ hàng, nhưng cuộc đua vẫn dũng mãnh.

Những người già truyền lại kinh nghiệm cho “vận động viên” trước khi vào cuộc đua.

“Kỵ sĩ” vẫn trong trang phục truyền thống dân tộc, chân trần, chỉ gắn số hiệu và mũ bảo hiểm là xung trận.

Trước khi nhập cuộc, các chú ngựa được chủ nhân vuốt ve, động viên.

Sắp cán đích, trước sự hò reo của khán giả, các chú ngựa chùng chân buộc vận động viên phải xuống đất, dắt “kỵ mã” băng về đích.

Không yên, không đế để chân, chỉ có dây cương, vận động viên đua phải khéo léo ngồi trên lưng ngựa.

Ngựa đạt giải Nhất được chủ nhân đeo dây hoa, dong dọc đường đua để chào khán giả.


Bài và ảnh: Việt Hoàng
Xây đường đua ngựa theo dấu chân chàng ngự lâm D'Artagnan
Xây đường đua ngựa theo dấu chân chàng ngự lâm D'Artagnan

Một đường đua ngựa dài 4.000km vừa được khởi công xây dựng theo đúng dấu chân của chàng ngự lâm D'Artagnan nổi tiếng nhất nước Pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN