Hiến 600 m2 đất xây cầu

Sơn Nam và Ninh Lai là hai xã phía đông huyện Sơn Dương. Những năm trước, việc đi lại giữa hai xã gặp nhiều khó khăn do bị ngăn cách bởi dòng sông Phó Đáy.

 Vì điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nên bà con chỉ xây dựng được cây cầu tạm bằng gỗ, sau nhiều năm xây dựng, cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Nguy hiểm là thế, nhưng gần 30 năm nay, người dân hai xã Sơn Nam và Ninh Lai vẫn phải thường xuyên qua lại cây cầu này.

Anh Trần Long Sơn, thôn Cây Cọ cho biết: “Cầu tạm được làm bằng gỗ đã nhiều năm nên xập xệ, đi lại rất khó khăn. Trẻ nhỏ đi bộ qua không cẩn thận là tụt chân xuống các nan cầu. Đặc biệt, vào mùa mưa, cây cầu tạm dập dềnh trên con sông chảy xiết, các cháu đi học có khi phải bỏ dép, đi chân trần qua. Biết nguy hiểm, nhưng các cháu vẫn phải đi, vì đây là con đường đến trường gần nhất. Nếu hôm nào nước sông chảy xiết quá, các cháu buộc phải nghỉ học". Một cây cầu mới, vững chãi để đi lại thuận tiện là mong ước từ lâu của nhân dân hai xã Ninh Lai, Sơn Nam. Vì vậy, khi Nhà nước có chủ trương xây cầu, mọi người đều rất phấn khởi góp công góp sức.

Nhờ có cây cầu treo, việc đi lại của cngười dân trở nên dễ dàng hơn, nhất là trong những ngày mưa lũ.

Ông Lê Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Sơn Nam chia sẻ: Đầu năm 2015, một cây cầu treo bắc qua sông Phó Đáy nối liền xã Sơn Nam và Ninh Lai đã được xây dựng. Nhà nước đầu tư vốn, xã giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, vị trí xây dựng trụ và đường dẫn cầu nằm trong phần đất canh tác của một số gia đình trong thôn khiến cho xã rất băn khoăn, bởi xã không có kinh phí để bồi thường. May mắn sao, việc giải phóng mặt bằng xây cầu được đông đảo bà con ở Cây Cọ hưởng ứng. Tiêu biểu nhất là gia đình ông Hoàng Văn Cường, thôn Cây Cọ, đã tự nguyện hiến gần 600 m2 đất, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công xây dựng cầu treo theo tiến độ.

Khi được hỏi về lý do nào khiến ông có quyết định hiến đất, ông Cường cho hay, biết là "tấc đất tấc vàng", bởi ở vùng này diện tích đất lúa rất ít nhưng vì sự phát triển chung của toàn xã, ông đã tự nguyện hiến hơn 600 m2 đất trồng lúa để xây đường dẫn và một phần xây trụ cầu. Từ bao đời nay, người dân hai xã Sơn Nam, Ninh Lai đã mơ ước có một cây cầu vững chắc, nay được Nhà nước đầu tư xây dựng ai cũng phấn khởi. "Cầu được xây dựng thì mình cũng là người được hưởng lợi chứ có phải riêng gì mọi người đâu. Hằng ngày nhìn bọn trẻ đi học phải qua cái cầu tạm đầy nguy hiểm, mùa lũ có đứa còn bơi qua sông để đi học tôi không đành lòng", ông Cường tâm sự.

Ông Cường (áo trắng) giới thiệu về cầu treo mới hoàn thành.

Không chỉ hiến đất, ông còn cùng gia đình tự thu hoạch 15 gốc tre đã được 5 năm tuổi để tạo mặt bằng cho đơn vị thi công làm móng cầu. Trong quá trình thi công, do đường dẫn cầu và mố cầu quá thấp, phải cần một số lượng lớn đất để nâng cao, ông đã sử dụng máy xúc đất của gia đình cung cấp 200 xe đất cho đơn vị thi công xây dựng.

"Trong cuộc sống đời thường, ông Hoàng Văn Cường là một tấm gương về chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Gia đình ông nhiều năm liền là gia đình văn hóa nhờ lối sống lành mạnh, nề nếp và những hoạt động tích cực tại địa phương. Ông Cường thực sự là một tấm gương điển hình cho người trong vùng học tập", ông Lê Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Sơn Nam cho biết.
Nguyễn Văn Tý
Người tiên phong hiến đất xây dựng nông thôn mới
Người tiên phong hiến đất xây dựng nông thôn mới

Ông Kim Tông, dân tộc Khmer, ở ấp Đồn Điền A, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú (Trà Vinh), là Chủ tịch Hội nông dân xã, luôn đi đầu trong mọi hoạt động của hội, giúp cho hội nông dân ở địa phương nhiều năm liền đạt danh hiệu vững mạnh toàn diện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN