Gồng mình chống chọi sạt lở

Từ nhiều năm nay, những vết nứt, sạt trượt tiềm ẩn nguy cơ sụt lún đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân tại bản Nà Phạ, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.

Do địa phương chưa bố trí được quỹ đất để di dời, người dân ở đây đang phải "gồng mình" chống chọi với thiên tai khi mùa mưa bão đang đến gần.

Nằm chênh vênh bên dòng suối Nậm Bốn, Bản Nà Phạ có 62 hộ dân với 282 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Sau mùa mưa năm 2012, đất phía đầu bản có hiện tượng sạt lở, nứt nẻ, sụt lún, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng chục hộ dân.

Nhiều công trình dân dụng ở Nà Phạ đang bị sạt lở.

Anh Hoàng Văn Quyển ở bản Nà Phạ cho biết: "Gia đình tôi sống ở đây từ năm 2006. Hai năm trở lại đây, hiện tượng nứt nẻ và sụt lún xảy ra xung quanh nhà. Hiện, 4 người trong gia đình luôn phải sống trong cảnh lo sợ, nguy hiểm rình rập bất cứ lúc nào. Chúng tôi mong chính quyền địa phương xem xét bố trí đất để có nơi ở mới an toàn hơn”.

Theo ông Nguyễn Văn Dung, Chủ tịch UBND xã Mường Kim, huyện Than Uyên, địa phương đã xây dựng chương trình di người dân bản Nà Phạ, nhưng hiện nay do không có quỹ đất nên chưa thể đưa bà con đến nơi ở mới.

Biện pháp hiện nay mà huyện Than Uyên đưa ra là chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ ở vùng nguy cơ sạt lở chủ động phòng tránh, đối phó lụt bão; đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến các điểm sụt lún, cảnh báo cho nhân dân chủ động phòng chống thiên tai.

Về lâu dài, các cấp, ngành, địa phương cần tìm quỹ đất, sớm bố trí sắp xếp dân cư bản Nà Phạ đến nơi ở mới an toàn hơn.
Bài và ảnh: Quang Duy
Nguy cơ sạt lở đê biển ở Cà Mau
Nguy cơ sạt lở đê biển ở Cà Mau

Tình trạng sạt lở đê biển trên địa bàn các huyện Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời và U Minh (Cà Mau) đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất nông nghiệp của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN