Gieo mầm con chữ nơi vùng đất khó

Nằm cách trung tâm huyện Sông Mã (Sơn La) hơn 30 km, nên để kịp giờ lên lớp, các thầy cô giáo dạy ở các điểm trường Phiêng Piềng (xã Mường Cai, Sơn La) phải lên đường từ lúc trời còn chưa sáng, vượt núi, băng rừng để mang con chữ đến cho các học sinh dân tộc.


Trời còn tờ mờ sáng, trong khí hậu khắc nghiệt của miền biên giới, các giáo viên nai nịt gọn gàng, chuẩn bị sẵn sàng vượt rừng vào bản. Sau những trận mưa, đường vốn đã khó đi lại càng khó khăn hơn, mặt đường như được quét lên một lớp “mỡ”, thử thách các tay lái…

Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng cô trò điểm Trường Mầm non Phiêng Piềng vẫn miệt mài dạy và học.

Để đến điểm Trường Phiêng Piềng của Trường Mầm non Hoa Đào, điểm trường xa nhất, khó khăn nhất; chúng tôi phải vượt qua không biết bao con dốc, con suối. Đường khó đi đến nỗi ai cũng thấm mệt. Tới tận khi mặt trời đã đứng bóng, chúng tôi mới đến nơi.

Điểm Trường Mầm non Phiêng Piềng nằm ngay ở đầu bản, gọi là điểm trường nhưng đó chỉ là những căn phòng được dựng lên bằng vài miếng ván và phên nứa rất sơ sài, không đủ sức chống lại những cơn mưa rừng và cái gió lạnh của vùng cao. Ông Vừ A Cha, Bí thư Chi bộ bản Phiêng Piềng nói: Bản người Mông chúng tôi có 36 hộ thì 12 hộ thuộc diện hộ nghèo, còn lại đều là hộ cận nghèo. Do đường xá xa xôi, đi lại khó khăn nên các nông sản làm ra bán giá rất thấp. Cả bản góp công sức mới làm được phòng học tạm này nhưng còn sơ sài lắm, không đủ ấm cho các cháu.

Một giờ học ở điểm trường THCS Phiêng Piềng.

Điểm Trường Mầm non Phiêng Piềng có 16 học sinh, các em đều là con em dân tộc có hoàn cảnh hết sức khó khăn, trình độ hiểu biết hạn chế nên ngoài công việc giảng dạy, các thầy cô giáo cắm bản tại đây thường phải đi tuyên truyền vận động người dân cho con em đến lớp để bảo đảm sĩ số. Những thầy cô giáo cắm bản đã trở thành những người con của bản làng, cùng ăn, cùng ở và cùng nói tiếng dân tộc để hiểu hơn về cuộc sống của dân bản và nói cho bà con thấy lợi ích lâu dài của việc cho con em đến lớp.

Anh Vừ A Lềnh, người dân bản Phiêng Piềng cho biết: “Nhờ sự tuyên truyền của các thầy cô giáo, người dân hiểu được tầm quan trọng của việc đưa con em đến trường nên chúng tôi dù có khó khăn đến mấy cũng phải để các cháu đi học chứ không bắt ở nhà đi làm nương, làm rẫy như trước kia nữa”.

Không chỉ trường mầm non, mà công tác giáo dục tại Trường THCS Phiêng Púng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trường có 367 học sinh, đều là người dân tộc Mông. Do địa hình đồi núi xa xôi, để thuận tiện cho việc học tập của các em, trường đã bố trí 5 điểm trường lẻ tại bản. Thầy Lưu Quốc Mạnh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng các em học sinh rất chăm chỉ đến trường, cần cù chịu khó trong học tập. Học sinh người Mông không còn bỏ học tùy tiện nữa, người dân đã ý thức nhiều hơn trong việc giáo dục con em. Tuy nhiên, hiện nay việc dạy và học của thầy và trò ở các điểm lẻ còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất đều là tạm bợ, chưa có đường giao thông, việc đi lại rất vất vả, đặc biệt là vào mùa mưa lũ.

Ông Nguyễn Chí Chung, Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện Sông Mã cho biết: Do đặc thù là một huyện biên giới, giao thông cách trở nên các thầy cô tại các trường cách xa trung tâm huyện, đặc biệt là các điểm trường gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy. Nhưng bằng sự tâm huyết và lòng yêu nghề, các thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn, vất vả, thiếu thốn, tình nguyện ở lại nơi bản nghèo heo hút để mang cái chữ đến cho học sinh.
Bài và ảnh: Công Luật
Vượt khó, ươm mầm con chữ ở Noh Prông
Vượt khó, ươm mầm con chữ ở Noh Prông

Nhiều người gọi Noh Prông là “ốc đảo”, bởi nơi đây nằm biệt lập với nhiều vùng của xã Hòa Phong. Để đến được điểm trường Noh Prông, chúng tôi còn phải đi qua chiếc cầu gỗ chông chênh do người dân tự làm, bắc ngang qua sông Krông Ana.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN