Ghi chép từ rừng đá khát-Bài 1: Bắt núi đá phải quy phục cây ngô

Con đường lên cực bắc Lũng Cú của Tổ quốc có thể nói là hiểm trở bậc nhất nhưng cũng hùng vĩ bậc nhất. Vượt lên cổng trời Quản Bạ đã thấy gió cuốn lồng lộng và mây trời bảng lảng dưới chân. Phóng tầm mắt vào mênh mông bất chợt ta nhận ra trong sự hùng vĩ thiêng liêng của núi rừng biên ải kia không phải là rừng cây mà là rừng đá; rằng, trong rừng đá hùng vĩ kia có tàng chứa sự hiểm trở; nhưng chính sự hiểm trở đó lại làm nên sự hùng vĩ và thơ mộng của núi non.

Khi con đường dần xa những khu ruộng bậc thang góp màu vàng với nắng chiều tạo nên một màu vàng huyền ảo giữa núi non và đất trời để hướng lên cực bắc là vùng xám mênh mông của rừng đá, một thế giới toàn là đá. Từ trong đá núi mênh mông dường như bất tận kia bỗng mơ màng hiện ra những phiên chợ tình và điệu sáo Mông lãng mạn…

Bài 1: Bắt núi đá phải quy phục cây ngô

Lên Hà Giang thì phải lên Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, người Hà Giang nói như thế. Đó là 4 huyện phía bắc nằm trọn trong công viên địa chất toàn cầu mà ta quen gọi là cao nguyên đá; bởi chỉ lên đó mới thấy cái chất đặc thù của Hà Giang. Đặc thù về núi non, phong cảnh, khí hậu, cuộc sống và tính cách con người…

Ngô là cây trồng chủ đạo trên cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Viết Tôn


Về phong cảnh chỉ cần qua cổng trời Quản Bạ và đứng trên đỉnh Mã Pí Lèng của Mèo Vạc để một lần ngắm dòng sông Nho Quế như một dải lụa xanh màu ngọc bích nhỏ nhắn giữa những triền núi đá cũng đủ để nhớ đời. Cũng không thể nào quên khi ta leo mấy trăm bậc lên cột cờ Lũng Cú ở Đồng Văn nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay giữa trời biên ải mới thấy thế nào là “non sông cẩm tú”; mới hiểu vì sao đất nước qua bao lần “bon ngựa đá” mà “non sông ngàn thuở vững âu vàng”. Đó chính là phẩm chất con người sống trong rừng đá biên cương, thích nghi với đá, chinh phục đá để tạo dựng cuộc sống. Lên rừng đá biên cương này nhìn cuộc mưu sinh của người dân chúng tôi mới hiểu câu nói của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh rằng: “Tiềm năng lớn nhất của Hà Giang là con người”.

Lên huyện Đồng Văn, như có người nói, nhìn Đồng Văn sẽ thấy cả Hà Giang, là lên rừng đá, lên với đồng bào Mông để thấy một cuộc mưu sinh không giống bất cứ nơi đâu. Đó là nơi từ ngàn đời nay cây ngô là cây lương thực chủ yếu, bữa ăn hàng ngày là món mèn mén được chế biến từ hạt ngô để thay cơm. Tất nhiên là thế, nhưng cây ngô ở Đồng Văn, ở Hà Giang được nuôi dưỡng bởi núi đá; hay nói một cách văn vẻ hơn là cây ngô bắt núi đá phải quy phục. Ngạc nhiên đến bất ngờ khi chúng tôi nhìn lên những đỉnh núi trơ ra toàn đá, hắt lên một màu xám xịt nặng nề thế mà trên lưng chừng núi đá đó vẫn phủ một màu xanh mong manh của cây ngô.

- Các anh lên mùa này còn thấy màu xanh, chỉ một hai tháng nữa khi bà con thu hoạch ngô xong, thì cả vùng này chỉ thấy toàn màu của đá. Phó Chủ tịch huyện Đồng Văn Nguyễn Đức Tính mở đầu câu chuyện như thế.

- Làm thế nào ngô sống được trên núi đá? Có thể trả lời một câu đơn giản rằng, vì con người sống được thì cây ngô cũng phải sống; muôn đời nay vẫn thế. Nhưng cây ngô sống bằng cách nào?

Lâu nay ta cứ nghe rừng có nhiều đất, nhiều cây, nhiều muông thú; con người có thể sống nhờ rừng. Nhưng khi lên rừng đá Đồng Văn, Mèo Vạc mới thấy rừng đá không có đất, không có cây và tất nhiên rất ít muông thú. Diện tích tự nhiên toàn huyện 44.600 ha nhưng diện tích canh tác chỉ có 815 ha lúa nương và 6.300 ha ngô một vụ. Vì thế để 64.000 con người tồn tại thì phải biến núi đá thành đất trồng ngô. Trên sườn núi đá cao chon von kia người Mông đi tìm từng hốc đá để tra hạt, hốc đá nào không còn đất thì gùi đất từ chân núi lên, mỗi hốc đá một vài vốc đất miễn là để cho hạt ngô nẩy mầm, bén rễ để cái rễ ngô bâm vào mặt đá đang bị phong hóa mà hút những vi chất để tồn tại. Cứ thế cây ngô tự nó sinh sôi trên triền núi đá, đến khi bắp ngô “treo đèn” thì người dân lên núi thu hoạch. Đến Hà Giang vào đầu mùa thu hoạch ngô chúng tôi thấy trên những sườn núi cao đến lưng chừng trời là các gia đình người Mông từ người già đến em nhỏ len lỏi qua rừng đá bẻ từng bắp ngô cho vào bao đẩy xuống chân núi.

- Thế nào là ngô “treo đèn”? - Tôi hỏi.

- Cũng là vì không có đất, đồng bào Mông không có sân phơi nên phải để ngô thật chín, lá rũ hết còn lại bắp gọi là “treo đèn”; khi đó mang về xếp vào kho không cần phải phơi nữa. Ông Tính giải thích và tiếp tục câu chuyện. Cũng vì không có đất mà người Mông Đồng Văn đều phải làm bếp trong nhà để hong khô những loại lương thực, thực phẩm. Lúa nương gặt về cũng cho lên gác bếp, mổ một con lợn, con bò cũng để dành trên gác bếp thành ra món thịt xông khói đặc sản.

- Với cách làm ăn như vậy, đồng bào có đủ ăn không? - Tôi hỏi.

- Ngô trồng trên núi đá toàn huyện khoảng hơn 3.000 ha, chiếm 50% diện tích. Ngoài ra còn có ngô trồng dưới thấp, có lúa nương, đậu tương và các loại cây trái khác nhưng đồng bào đều không đủ ăn, một năm bằng các nguồn từ trung ương, tỉnh, huyện phải hỗ trợ lương thực từ 1-6 tháng cho người dân tùy từng vùng. Số hộ trong diện đói nghèo toàn huyện lên đến 70,15% và diện cận nghèo 11%. Ông Tính nói.

Tỷ lệ đói nghèo ở Đồng Văn rất đáng suy nghĩ. Về xã Sà Phìn, chúng tôi được Bí thư Đảng ủy Sùng Phà Say cho biết: Xã có 540 hộ (100% là người Mông) thì có đến 400 hộ nghèo, mỗi năm phải trợ cấp cứu đói từ 60 -80 tấn gạo. Với tỷ lệ hộ nghèo cao như vậy, rõ ràng nhiệm vụ hàng đầu của Đồng Văn là xóa đói giảm nghèo. Bởi vì Đồng Văn hiện tại đang trong tình trạng “4 đói và 3 thiếu” là: “Đói văn hóa, đói chuyên môn, đói nước, đói ăn và thiếu đất, thiếu việc làm, thiếu chất đốt”, như khái quát của ông Phó Chủ tịch huyện.

- Vậy Đồng Văn sẽ đi lên bằng cách nào?

Về Đồng Văn và Hà Giang đến đâu chúng tôi cũng được nghe cán bộ và người dân nói về các chương trình đầu tư của Nhà nước mang lại hiệu quả to lớn, có tính chất của một cuộc đổi đời với đồng bào các dân tộc. Nhờ các chương trình này mà người dân có con đường để đi, có bệnh xá chữa bệnh, có trường cho con em học cái chữ, có mái nhà để ở; nhất là nhiều nơi đã có điện lưới để dùng… có nghĩa là có một cuộc sống hoàn toàn khác với trước. Tuy nhiên, những dự án đầu tư hạ tầng chỉ làm nền tảng cho sự phát triển, còn muốn phát triển thì phải xuất phát từ nội lực của địa phương và bản thân mỗi người dân. Không có ai làm thay cuộc mưu sinh cho mỗi cá nhân suốt đời. Huyện Đồng Văn cũng có sự chủ động đó, một mặt vừa khai thác lợi thế từ các công trình đầu tư, một mặt tìm mọi cách đưa kỹ thuật, giống mới vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Đã làm ngô vụ thu tăng khoảng 600 - 700 tấn, trồng khoai tây vụ đông, trồng hoa hồng… Song trong tình trạng “4 đói, 3 thiếu”, Đồng Văn dù không ỷ lại thì vẫn cứ phải trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước.

- Nếu Nhà nước không có đầu tư thì rất khó khăn - ông Tính tiếp tục trao đổi. Chẳng hạn ngay như mua giống ngô cho 1 ha cũng phải mất 1,5 triệu đồng, trong khi đồng bào còn chưa đủ ăn thì đó là một số tiền lớn với nhiều gia đình. Nếu Nhà nước đầu tư toàn bộ giống ngô và 30 - 50% phân bón cho dân trên diện tích canh tác như hiện nay thì sẽ tăng sản lượng lên 2.400 tấn lương thực. Còn nếu để tăng ngô vụ đông lên 2.000 ha thì sẽ thu được 6.000 tấn ngô. Như vậy sẽ hiệu quả hơn việc hàng năm phải hỗ trợ cứu đói cho dân 600 tấn lương thực.

Rõ ràng chỉ nói riêng về vấn đề lương thực, vùng rừng đá của Hà Giang vẫn cần sự đầu tư rất lớn của Nhà nước; nhưng sẽ động viên được sức lao động sáng tạo của nhân dân hơn, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống bền vững từng bước nếu như Nhà nước đầu tư phương tiện sản xuất cho dân như con giống, vật tư, phân bón cùng với những ứng dụng kỹ thuật, thay đổi cơ cấu cây trồng để cho người dân vùng rừng đá có ý hướng về một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Quang Vinh - Viết Tôn

Bài 2: Giải khát cho rừng đá

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN