Đưa bản người Dao Đá Cạn thoát nghèo

Bản người Dao Đá Cạn, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ hôm nay đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, ước vọng về cuộc sống sung túc của người dân nơi đây vẫn còn dang dở.

Sinh sống theo các triền núi đá cách trung tâm xã gần 5 km từ hơn bốn thập niên trước, các gia đình đồng bào dân tộc Dao bản Đá Cạn đã trải qua quá trình lao động cực nhọc. Họ khai sơn phá thạch, phát quang rừng rậm, san nền dựng nhà, vỡ hoang đất rừng, dẫn nước từ thượng nguồn tạo thành ruộng trồng lúa nước... Thế nhưng, câu chuyện thoát nghèo ở Đá Cạn vẫn như “gió thổi nhà trống".

Đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống giáo dục.

Theo ông Dương Đức Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Hương Cần, nhiều năm nay, thực hiện mục tiêu ổn định cuộc sống, tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình, giảm nhanh, vững chắc tỷ lệ giảm nghèo ở Đá Cạn, các cấp chính quyền đã triển khai hàng loạt các chương trình, dự án hỗ trợ từ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đến chuyển giao kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ trực tiếp giống vật nuôi, cây trồng... nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Đến nay, đường giao thông trải nhựa chạy qua xã và điện lưới quốc gia sáng từng gia đình, nhà văn hóa khu, điểm trường tiểu học được xây mới vững chắc, khang trang... nhưng hộ nghèo ở Đá Cạn vẫn ở mức cao.

Giao thông nông thôn cũng được huyện Thanh Sơn chú trọng.

Xác định việc nhanh chóng phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững cho người dân khu Đá Cạn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền Hương Cần. Ngay sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ Hương Cần đã phân công trực tiếp các đồng chí lãnh đạo xã tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, tư duy lạc hậu, cùng bà con tính toán lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp có hiệu quả kinh tế cao... Ông Phan Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hương Cần khẳng định, cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, giải pháp hữu hiệu để Đá Cạn nhanh chóng thoát nghèo là bà con phải tự thay đổi tập tục, thói quen sản xuất lạc hậu, loại bỏ tư tưởng ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, biết phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có về đất sản xuất để tự vươn lên thoát nghèo...

Năm 2013, xã đã đưa về bản 4 con trâu cái để các gia đình nuôi luân phiên. Đến nay, hầu như mỗi nhà đều có một con trâu từ chương trình đầu tư này. Năm 2014, xã tiếp tục hỗ trợ người dân Đá Cạn 30 con lợn giống (17 - 18 kg/con) và hàng trăm gà giống chia đều cho các nhà theo hình thức gia đình nào muốn nhận con giống phải trả kinh phí đối ứng. Tiền đối ứng không lớn, được đặt ra với mục đích tăng tinh thần trách nhiệm cho người được hỗ trợ. Xã cũng đã huy động máy xúc lên san gạt đất tạo thành 6 sào ruộng chia cho bà con và đầu tư hỗ trợ mỗi gia đình trong bản 10 gốc chuối phấn trắng. Cán bộ xã lên giám sát chặt chẽ việc trồng chuối của từng hộ.

Để giúp bản nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân bản Dao Đá Cạn, UBND xã Hương Cần cũng đã thống nhất Nghị quyết chuyên đề riêng cho khu Đá Cạn. Theo đó xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể để xác định đưa cây, con giống phù hợp thổ nhưỡng đất ở bản Đá Cạn. Phân công cán bộ của các ngành liên quan cụ thể mỗi ngành đảm nhận 6 hộ trực tiếp thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn người dân nuôi con gì, trồng cây gì sao cho hiệu quả, đồng thời khảo sát từng hộ xem có diện tích bao nhiêu, chỗ nào khó xã sẽ cho máy móc, thiết bị vào san lấp phục vụ bà con trồng lúa nước và trồng cây chuối phấn. Trước mắt, xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông mua giống rau, chuối phấn, giống gà, ong mật, dê... bà con trồng và chăn nuôi nhằm đưa kinh tế của bản Đá Cạn phát triển.
Bài và ảnh: Tạ Văn Toàn
Nghi lễ đám cưới của người dao Lô Gang
Nghi lễ đám cưới của người dao Lô Gang

Đám cưới của người Dao Lô Gang ở xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên vẫn giữ được nét đặc sắc truyền thống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN