Đồng bào tái định cư cần đất sản xuất

Sau 8 năm chuyển về bản Củ Pe, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn (Sơn La) để nhường đất cho dự án tái định cư (TĐC) thủy điện Sơn La, cuộc sống của các hộ dân đang gặp rất nhiều khó khăn bởi đất sản xuất đã chuyển đổi để trồng cây cao su, nhưng một vài năm trở lại đây việc làm tại Công ty cổ phần Cao su Sơn La khó khăn, người dân đi làm không lương; nhiều trẻ em đã phải nghỉ học.

Đến xóm Củ Pe (thuộc bản Củ Pe) những ngày này mới thấu hiểu những khó khăn của người dân TĐC nơi đây. Nhà ông Cầm Văn Phát ở cuối xóm, ngoài căn nhà sàn khá khang trang được dựng nhờ dự án TĐC, thì bên trong không có thứ gì đáng giá. “Chúng tôi chuyển từ xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai về đây từ năm 2008 để nhường đất cho thủy điện Sơn La. Khi đến mỗi hộ được chia 400 m2 đất để dựng nhà và 1 ha đất sản xuất, nhưng đã được trồng sẵn cây cao su rồi, nên bây giờ chúng tôi cũng chưa biết phần đất của mình ở đâu. Mang danh là công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Cao su Sơn La, nhưng thực chất là các hộ nông dân phải góp 1 ha đất thì hộ đó được một người vào làm tại đội sản xuất của công ty làm theo thời vụ. Làm trong công ty cao su thì 1 - 2 năm đầu còn tạm được, những năm sau rất ít việc làm”, ông Phát trải lòng.

Rất nhiều người dân xóm Củ Pe không có việc làm.

Không có đất sản xuất, không việc làm, đồng bào phải đi chặt ngọn mía thuê kiếm tiền, hết vụ mía lại rơi vào cảnh thất nghiệp. Bà Cam Thị Đông cho biết: “Chúng tôi phụ thuộc vào đất đai, không có đất thì chả biết làm gì để sống. Nếu không có đất sản xuất, thì cho chúng tôi trở về quê cũ”.

Ông Lường Văn Khi, Trưởng xóm Củ Pe cho biết: “Xóm Củ Pe thuộc bản Củ Pe, được thành lập từ năm 2008, xóm có 10 hộ dân TĐC chuyển về sống xen ghép với dân sở tại. Vì không có đất sản xuất, việc làm trong công ty cao su hạn chế, nên dân bản không có thu nhập, trong bản đã có một số cháu bỏ học. Chúng tôi muốn xin hộ nghèo để con em đi học được giảm học phí, được vay vốn để phát triển sản xuất nhưng không được. Chính quyền địa phương cho rằng, có nhà cửa, có máy lọc nước, có tivi, xe máy… thì không phải hộ nghèo, nhưng thực chất những thứ đó có được là nhờ dự án di dân TĐC, chứ từ khi chuyển về đây chúng tôi hầu như không mua sắm được thứ gì”.

Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất.

Ông Lò Văn Đại, Trưởng bản Củ Pe cho biết: “Ngoài số tiền bảo hiểm mà Công ty cổ phần Cao su Sơn La bỏ ra, thì người dân phải đóng thêm 200.000 đồng/tháng, nếu tính ra mỗi tháng đi làm được 4 - 5 ngày, mỗi ngày được từ 30.000 - 50.000 đồng thì coi như là đi làm không công, thậm chí nhiều người còn âm tiền bảo hiểm”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hà Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Mường Bon cho biết, hiện nay cuộc sống của các hộ dân TĐC ở bản Củ Pe đang gặp khó khăn, vì quỹ đất sản xuất đã được sử dụng để trồng cây cao su, hơn nữa không chỉ người dân TĐC mà người dân sở tại tham gia góp đất trồng cao su cũng trong hoàn cảnh tương tự. Trước mắt xã dự kiến sẽ san lấp 1 số diện tích đất để giao cho các hộ TĐC trồng cấy, đồng thời cho đấu thầu hồ cá tại bản Bon để bà con TĐC có thu nhập ổn định đời sống.

Hy vọng chuyển về nơi TĐC có cuộc sống tốt hơn hoặc ít nhất là ngang bằng với nơi ở cũ, thế nhưng đồng bào ở Củ Pe lại không có được niềm vui ấy. Nếu chính quyền các cấp không nhanh chóng giải quyết vấn đề về đất sản xuất thì trong thời gian tới cuộc sống của người dân sẽ ngày càng chật vật hơn.

Bài và ảnh: Công Luật
Cho hộ nghèo mượn đất sản xuất
Cho hộ nghèo mượn đất sản xuất

Ông Sơn Sa Tha, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Giồng Ông Thìn, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú (Trà Vinh), đã cho hộ nghèo mượn đất sản xuất, đồng thời còn vận động nhân dân trong ấp hiến đất sửa chữa đường giao thông nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN