Đồng bào M’Nông gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống

Đồng bào M’Nông có dân số đông nhất tỉnh Đắk Nông, với nhiều nét văn hóa truyền thống đa dạng và phong phú. Nhưng với tác động của quá trình hội nhập, phát triển, giao lưu văn hóa, cũng như nhiều nguyên nhân khác, đã khiến văn hóa truyền thống của đồng bào M’Nông đang dần mai một. Tuy nhiên, đồng bào M’Nông ở buôn Bu Kol, phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) lại đang gìn giữ và phát huy tốt những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Đội chiêng buôn Bu Kol tham gia biểu diễn giao lưu văn nghệ.


Chị H’Quýt, Phó buôn Bu Kol cho biết: “Buôn Bu Kol đã thành lập được câu lạc bộ đánh chiêng, gồm một đội chiêng lớn tuổi và một đội chiêng trẻ tuổi. Các thành viên trong câu lạc bộ đã biết đánh thuần thục nhiều bài chiêng, trong đó có những bài chiêng cổ, khó đánh, có nguy cơ mai một, thất truyền. Người dân buôn Bu Kol rất tự hào khi buôn có được ba bộ chiêng do cha ông để lại. Trong các ngày lễ hội lớn của buôn, hay trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, các đội chiêng của buôn đều tham gia biễu diễn, diễn xướng để lớp trẻ cảm nhận, yêu mến và gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình”.

Nghệ nhân Y El là một trong những nghệ nhân lớn tuổi và am hiểu về nhạc cụ của đồng bào M’Nông; có thể chế tác và sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình như: M’buốt, M’ló, Drơn… Ông cho biết: Những lúc nhàn rỗi, ông thường truyền dạy cho con cháu cách đánh chiêng, cách sử dụng nhạc cụ truyền thống, để con cháu tiếp nối và không lãng quên truyền thống văn hóa của cha ông.

Hướng dẫn con cháu dệt thổ cẩm.


Chị H’Quýt cho biết thêm: “Những phụ nữ lớn tuổi trong buôn hầu như ai cũng biết dệt thổ cẩm truyền thống. Nghề đan lát truyền thống vẫn được phát triển, các sản phẩm như gùi, rổ, rá, nong, nia… vẫn được bà con sử dụng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Trong các lễ hội của buôn đều tổ chức thi hát dân ca, thi nấu cơm lam, tổ chức uống rượu cần… Chính vì vậy hầu hết nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người M’Nông vẫn được lưu giữ và phát huy”.

Bà Đặng Thị Hồng Liên, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Gia Nghĩa cho biết: “Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để bà con dân tộc thiểu số nơi đây gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hằng năm, địa phương tổ chức các lớp dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, mở lớp dạy dệt thổ cẩm, đan lát cho bà con, lồng ghép các bài hát dân ca dân tộc vào chương trình tiểu học… Bên cạnh đó, địa phương còn tổ chức các ngày hội văn hóa, phục dựng lại các nghi lễ truyền thống của đồng bào như lễ cúng lúa mới, lễ cúng sức khỏe, đám cưới truyền thống…”.

Bài và ảnh: Thanh Đạt
Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng Tây Bắc - Tôn trọng tính đa dạng văn hóa
Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng Tây Bắc - Tôn trọng tính đa dạng văn hóa

Trong chiến lược phát triển vùng Tây Bắc cũng như tiểu vùng, điều có ý nghĩa sống còn là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là rất cần thiết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN