Đồng bào dân tộc, miền núi nỗ lực chống rét

Sống chung với băng giá", những ngày vừa qua, đồng bào dân tộc các địa phương khu vực miền núi phía Bắc đã thực hiện các biện pháp chống rét để đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt cũng như sản xuất của mình. Đặc biệt, công tác phòng chống rét cho gia cầm, vật nuôi đã được thực hiện rất tích cực...

Tích cực phòng chống

Theo dự báo mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, rét đậm, rét hại ở miền Bắc có thể kéo dài đến trung tuần tháng 1/2011. Bởi ngoài những đợt rét hiện nay, ở phía Bắc lại vừa có thêm một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam.

Dự báo, khoảng gần sáng và ngày 9/1, bộ phận không khí lạnh này sẽ tăng cường xuống các tỉnh miền Bắc, làm cho khu vực này có thêm 2 đợt không khí lạnh tăng cường: Đợt ngày 9 - 10/1, và đợt ngày 12 - 13/1.


Trên đất liền từ ngày 7 - 15/1 sẽ có nhiều ngày rét đậm, rét hại xảy ra ở các tỉnh miền Bắc, vùng núi cao tiếp tục có khả năng xuất hiện băng giá, sương muối.

Những ngày qua, do không khí lạnh tăng cường mạnh, ngày 7/1 nhiệt độ tại Khu du lịch Mẫu Sơn (Lộc Bình - Lạng Sơn) đã hạ xuống âm 1 độ C, gió đông bắc cấp 5, đến 3 giờ sáng 7/1 đã xuất hiện băng giá trên đỉnh núi Mẫu Sơn với diện tích khoảng 4 km2, bám trên hàng rào, vườn cây, mái nhà...


Đây là đợt băng tuyết thứ hai trong mùa đông năm nay. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, băng tuyết, giá rét sẽ còn xuất hiện trong một vài ngày tới.

Mấy ngày qua, miền núi phía Bắc rét cắt da cắt thịt. Ảnh: Ngày 7/1/2011 ở Mẫu Sơn, Lạng Sơn có tuyết. Ảnh: BMT


Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy, những người dân các địa phương đã có những biện pháp "rất riêng" để đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt của mình. Tại Lào Cai, trong những ngày có rét đậm, rét hại, nông dân vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai... đã dự trữ rơm và mở rộng diện tích trồng cỏ voi, đồng thời triển khai gieo trồng cây ngô đông, tận dụng thân và lá ngô để ủ chua làm thức ăn cho đàn gia súc.


Cách làm này không những chủ động nguồn thức ăn mà còn giảm được gần nửa thời gian chăn thả so với trước đây, đảm bảo đàn gia súc vẫn béo, khỏe trong mùa đông giá rét.

Ôm bó cỏ từ đồi về, bà Sùng Thị Thàng, thôn Cốc Môi, xã Na Hối (huyện Bắc Hà) cho biết: Nhà nào trong thôn hiện cũng có vườn cỏ và rơm gác trên chuồng gia súc, dự trữ cho trâu, bò, ngựa ăn đêm nhằm bổ sung thêm năng lượng, tăng sức đề kháng.

Năm nay, gia đình bà cũng đã đầu tư gần 5 triệu đồng xây kiên cố chuồng gia súc thay cho chiếc chuồng bằng cột gỗ trước đây, bỏ tiền ra làm một lần còn hơn cứ làm tạm bợ rồi lại phải sửa. Có chuồng kiên cố, mùa đông sương muối và rét có kéo dài thì đàn gia súc vẫn được bảo vệ an toàn.

Ông Ma Seo Lử, ở xã Bản Phố, chia sẻ: “Để chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc, năm vừa qua, gia đình tôi đã đầu tư gần 6 triệu đồng làm lại chuồng nuôi nhốt gia súc. Ngoài việc dự trữ rơm sau thu hoạch vụ lúa mùa, hàng năm, gia đình tôi còn trồng từ 1.200 đến 1.500 m2 cỏ voi, gieo 7 - 9 kg giống ngô đông làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông”. Theo thống kê, xã Bản Phố hiện có gần 70% số hộ chăn nuôi có chuồng gia súc đảm bảo quy cách, nhân dân đã trồng trên 20 ha cỏ voi và giống ngô đông.

Bà Chu Thị Dương, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Hà cho biết: “Năm 2010 là năm đầu tiên huyện Si Ma Cai thực hiện mô hình tăng vụ ngô với diện tích trên 700 ha. Ngoài sản phẩm thu hoạch từ bắp, thân và lá cây ngô là nguồn thức ăn cần thiết cho gia súc trong mùa đông. Đối với cây ngô, việc ủ chua là phương pháp tốt nhất để bảo đảm giá trị dinh dưỡng, nâng cao chất lượng thức ăn cho gia súc”.

Ông Đào Văn Hay, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo trạm xây dựng 13 mô hình ủ chua thức ăn gia súc tại 12 xã, 84 thôn, bản với 260 hộ dân tham gia, tập trung ở những xã có số lượng gia súc lớn là Lử Thẩn, Lùng Sui, Cán Cấu, Sán Chải, Quan Thần Sán, Cán Hồ, Mản Thẩn... Phương pháp ủ chua thức ăn gia súc lần đầu tiên triển khai đã được người dân nhiệt tình hưởng ứng.

Tương tự với cách làm này, tại các xã Cốc Đán (huyện Ngân Sơn) và xã Lương Thượng (huyện Na Rì) của tỉnh Bắc Kạn, người dân cũng đã chủ động chăm lo cho đàn gia súc của mình. Xã Cốc Đán có 1.700 con trâu, bò, phần lớn các hộ đã không thả rông trong những ngày rét đậm, rét hại này mà nhốt gia súc trong chuồng.

Tại xã Lương Thượng, tổng số 419 con trâu, bò của xã đã được nhân dân chăm sóc chu đáo trong mùa rét. Hầu hết ở các thôn đều chú ý các biện pháp chống rét, chống đói cho gia súc trong dịp này. Ông Nguyễn Duy Cầu, Chủ tịch UBND xã Lương Thượng cho biết: “Chúng tôi rất yên tâm về việc chống rét cho đàn gia súc ở bốn thôn vùng thấp, vì nhân dân đã có ý thức thu gom, dự trữ rơm, rạ ngay từ khi thu hoạch lúa mùa để làm thức ăn cho trâu, bò, đồng thời không thả rông gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại”.

Vẫn còn tư tưởng chủ quan

Bất chấp giá rét, học sinh vùng cao Hà Giang vẫn đến trường
Nằm ở độ cao trung bình gần 1.600 m so với mặt nước biển, do ảnh hưởng của không khí lạnh, trong những ngày này, ở các huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang trời rét đậm, rét hại, nhiều nơi băng giá và sương muối. Nhiệt độ có nơi xuống dưới 3 độ C. Dưới trời giá rét như vậy song mọi hoạt động dạy và học ở đây vẫn diễn ra bình thường, sỹ số học sinh luôn duy trì đạt trên 95%. Tại điểm trường Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc) là một trong những điểm trường gần giáp biên giới, cách trung tâm huyện Mèo Vạc trên 30 km, dưới cái lạnh "cắt da xé thịt", cô và trò điểm trường Mỏ Phàng vẫn duy trì dạy và học bình thường. Gần 100 em học sinh từ lớp mầm non đến lớp 4 ở đây hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, 3/4 gia đình các em thuộc diện đói nghèo. Cô giáo Đỗ Thị Hạnh, điểm trường Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc) cho biết: Mỏ Phàng là một trong những điểm trường, xa trường chính gần 8 m. Nơi đây còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, quanh năm thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Để chống rét, thầy cô giáo đã phát động các em học sinh mỗi hôm mang tới trường nộp một bó cây khô hay một bó củi. Khi giải lao giữa giờ, cô và trò cùng nhau đốt lửa sưởi ấm. Đối với các cháu nhỏ, điểm trường quy định bố mẹ các cháu tới trường đón ngay sau khi tan học, đưa trẻ về nhà để sưởi ấm.

Đó là một thực trạng cũng rất đáng lo ngại tại các địa phương miền Bắc. Bởi dẫu có những nỗ lực để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo cuộc sống của mình; nhưng những người dân vốn "sống chung với giá rét" vẫn mang tâm lý coi thường thời tiết, chưa thực sự nỗ lực trong việc đảm bảo sản xuất; dẫn tới tình trạng dịch bệnh có nguy cơ gia tăng tại khu vực này.

Tại tỉnh Bắc Kạn, dù UBND tỉnh đã có công điện khẩn gửi đến các địa phương chủ động kiểm tra và vận động nhân dân chú trọng phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử các đoàn công tác về các huyện, thị xã để kiểm tra và chỉ đạo các huyện, thị xã cử cán bộ xuống từng thôn, bản hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc người dân thực hiện các biện pháp cấp bách chống rét cho đàn gia súc.

Thậm chí các huyện đã xuất ngân sách dự phòng để hỗ trợ cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chống rét, phòng dịch bệnh cho đàn gia súc... nhưng việc triển khai của người dân vẫn còn hạn chế. Trâu bò tuy được nhốt trong chuồng trại, nhưng chuồng trại lại chưa được che kín, nền trại vẫn chưa được làm sạch nên không có chỗ nằm khô ráo cho gia súc.

Ông Nông Văn Chí, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, cho biết: “Việc chống rét cho đàn gia súc là nhiệm vụ đột xuất, trọng tâm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các huyện, thị xã cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn nhân dân cách chống rét cho gia súc, giúp người dân hiểu được tầm quan trọng và có ý thức bảo vệ đàn gia súc. Tuy nhiên, một bộ phận nhân dân vẫn rất chủ quan, phó mặc”.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, tính đến chiều 6/1, đã có tổng số 141 con trâu, bò chết, trong đó có 104 con chết rét, một số là bê, nghé chết do bệnh giun sán, đi phân trắng và già yếu...

Điều đáng ngại là thời tiết xấu đã làm cho gia súc ở một số nơi thuộc các huyện Ngân Sơn, Na Rì có hiện tượng nghi bị lở mồm long móng. 112 hộ đồng bào Mông thôn Khuổi Nộc, xã Lương Thượng (Na Rì) có 194 con trâu, bò, nhưng không có rơm để dự trữ làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông, chuồng trại trống hoác, mái lợp bằng lá rừng, vải bạt rách nát, nền chuồng ẩm ướt không có gia súc, vì hầu hết đều thả rông trong rừng.

Những ngày tới, thời tiết vẫn còn rét đậm, rét hại, chính quyền các địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc cần kiên quyết hơn nữa, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, kiểm tra để nhân dân nâng cao ý thức chống rét cho đàn gia súc.

Nguyễn Trình - Hương Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN