Đồng bào các dân tộc chuẩn bị chu đáo cho năm học mới

Đồng Nai: Nâng cao chất lượng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú


Năm học 2012-2013, ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai đã đưa vào hoạt động thêm 1 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tại huyện Xuân Lộc, với quy mô 500 học sinh; nâng tổng số trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh lên 3 trường. Trong năm học đầu tiên này, nhà trường dự kiến tuyển sinh hai lớp 6, với 70 học sinh.


Giờ ra chơi của các em học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang.ảnh: Minh Tâm

 

Với mạng lưới hệ thống các trường PTDTNT trên địa bàn, hàng năm ngành giáo dục và các ngành hữu quan tỉnh Đồng Nai đã huy động khoảng 1.000 em học sinh dân tộc thiểu số đến trường. Tỷ lệ học sinh dân tộc nội trú và học sinh dân tộc cấp trung học trên địa bàn tỉnh đạt gần 14%.


Toàn tỉnh hiện có 104 giáo viên, vừa làm công tác quản lý vừa tham gia giảng dạy tại các trường. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm trong công việc được giao, nhiệt tình. Do đó, chất lượng giáo dục của các trường DTNT được nâng lên, đạt mặt bằng bình quân chung của tỉnh, có nhiều chuyển biến so với những năm đầu mới thành lập.

 

Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao thì đội ngũ cán bộ quản lý và lực lượng nòng cốt chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chung của nhà trường trong tình hình mới. Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, chất lượng giáo dục chưa đảm bảo tính ổn định bền vững lâu dài. Một bộ phận học sinh ý thức học tập, rèn luyện chưa tốt, còn vi phạm nội quy, kỷ luật; cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị dạy học chưa đồng bộ... Để khắc phục những tồn tại trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã triển khai “Kế hoạch củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2015”; nhằm củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh theo hướng trường trung học đạt chuẩn quốc gia và đảm bảo các điều kiện đặc thù, nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả công tác đào tạo, nhằm tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

Hà Giang: Quan tâm khuyến học, khuyến tài trong đồng bào dân tộc


Ông Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang, cho biết: Ngay từ đầu năm học mới 2012-2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp ủy đảng, các ngành, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh việc thực hiện dự án "Xây dựng xã hội học tập tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020"; tăng kinh phí hoạt động thường xuyên cho Hội khuyến học và Trung tâm học tập cộng đồng; đẩy mạnh phong trào thi đua "Hai tốt", "Học thật tốt, dạy thật tốt" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Học tập và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy" gắn kết với phong trào thi đua xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực"...


Theo ông Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, giai đoạn từ nay đến năm 2015, tỉnh phấn đấu đưa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; là tiêu chí xét thi đua, công nhận các danh hiệu, xếp loại chi bộ, đảng bộ hàng năm. Tỉnh đã triển khai sâu rộng cuộc vận động xây dựng "Gia đình hiếu học", "Dòng họ hiếu học" đến thôn bản, tổ dân cư, trong từng cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp.


Trung tâm học tập cộng đồng là một hình thức giáo dục còn rất mới đối với Hà Giang. Đây là một thiết chế giáo dục không chính quy có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc học tập của người lớn, nhất là ở một tỉnh miền núi nhiều dân tộc. Với phương châm "Cần gì học nấy", gắn việc nâng cao dân trí, góp phần đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, giúp người lao động cập nhật tri thức khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân; đến nay tại 195/195 xã, phường trong toàn tỉnh đã thành lập được Trung tâm học tập cộng đồng bước đầu đã tạo điều kiện cho gần 40% đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận và thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng nâng cao hiểu biết về thời sự, chính trị, kỹ thuật, tiếng Việt và nâng cao chất lượng cuộc sống.


Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, Hà Giang đã có trên 32.000 gia đình tham gia phong trào xây dựng gia đình hiếu học, trên 450 dòng họ tham gia phong trào dòng họ hiếu học. Công tác xây dựng quỹ khuyến học phát triển mạnh, đến nay quỹ khuyến học các cấp hội của tỉnh Hà Giang có kinh phí hoạt động trên 4,8 tỷ đồng. Đặc biệt, hơn 20 năm nay, ở các xã vùng cao, vùng sâu, xa biên giới của Hà Giang, hàng tháng, đồng bào các dân tộc thiểu số đóng góp gạo, ngô, cho học sinh các lớp bán trú dân nuôi, không phân biệt gia đình có con theo học hay không có con theo học. 3 năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số Hà Giang đã đóng góp trên 45 tấn lương thực, 56 tấn rau xanh, trên 1,7 tỷ đồng cho các em học sinh các lớp bán trú dân nuôi... Hiện tại, tỷ lệ học sinh đúng độ tuổi đi học ở Hà Giang ngày càng cao, trong khi tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm.


Nghệ An: Vận động học sinh bản vùng cao trở lại trường


Năm học 2012-2013, hàng chục học sinh của hai bản Ồ Ồ và Già Hóp (xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) đã được đến trường.


Trước đây, hai bản Ồ Ồ và Già Hóp không có điểm trường mầm non, các em phải học nhờ trong nhà văn hóa bản chật chội, ẩm thấp. Và khi bản tổ chức sinh hoạt, hội họp, thì các em phải nghỉ học. Còn với bậc trung học cơ sở (THCS), vì ở đây chưa có phân hiệu, con em hai bản Ồ Ồ và Già Hóp muốn học tiếp lên THCS phải ra trung tâm xã, cách bản 14 km. Trong khi đó trường THCS xã lại chưa có khu nội trú nên việc đến trường của các em gặp nhiều khó khăn. Nhiều con em đồng bào nơi đây sau một thời gian theo học phải bỏ học giữa chừng.


Trước thực tế này, cuối năm học 2011-2012, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Anh Sơn đã phối hợp với Trường Mầm non xã Tường Sơn, UBND xã Tường Sơn, chuyển lớp mẫu giáo gồm 30 cháu từ 3 - 5 tuổi từ nơi học cũ ở bản Ồ Ồ về học tại nhà công vụ của Trường Tiểu học Tường Sơn. Đồng thời trong năm học mới này, ngành Giáo dục huyện Anh Sơn cũng mở 2 lớp bán trú tại điểm Trường Tiểu học Tường Sơn với tổng số 20 em bậc THCS, và tại Trường THCS Hội Sơn xã Hội Sơn với 16 em học sinh lớp 6.


Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Anh Sơn cho biết: “Với quyết tâm không để học sinh bỏ học do khó khăn, bước vào năm học mới 2012 -2013 này, ngành Giáo dục Anh Sơn tiếp tục phát động phong trào “Ngày hành động vì xã hội hóa giáo dục” (trung bình mỗi năm huy động được trên 4 tỷ đồng) để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học. Các trường ở địa bàn vùng khó như Thọ Sơn, Thành Sơn, Bình Sơn (nơi các em thường bỏ học) đã thiết lập không gian cho học sinh ăn trưa ngay tại trường. Học trò có thể đưa cơm tới trường để ăn hoặc số khác thì phụ huynh gửi gạo, thực phẩm nhờ nhà trường nấu ăn trưa cho các cháu. Với cách thức này nhà trường đã thu hút được học sinh ở lại trường, chuyên tâm cho việc học tập. Hội cựu giáo chức huyện vận động những học sinh thành đạt ủng hộ, giúp đỡ học sinh nghèo; bản thân các thầy cô giáo ở trường cũng quyên góp tiền để mua sách, vở, bút hỗ trợ, động viên, khuyến khích các em đến trường học tập”.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN