Đổi thay vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông

Nằm dưới chân núi Ngọc Linh hùng vĩ, huyện Tu Mơ Rông từng được biết đến là một huyện nghèo nhất tỉnh Kon Tum.

Là huyện chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, thiên tai, cùng với đường đi lại khó khăn nên từ khi mới thành lập đời sống của nhân dân trước đây vô cùng thiếu thốn, cái đói bám lấy từng buôn làng hiu hắt.


Thế nhưng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế; sự tự lực, tự cường của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tu Mơ Rông, trong những năm trở lại đây, cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày. Nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, biết làm giàu bằng chính những sản vật, cây trồng đặc trưng được thiên nhiên ban tặng.


Xuất phát điểm thấp, nhưng với tinh thần tự lực, tự cường, nhân dân xã Tu Mơ Rông từmg bước khắc phục khó khăn, sáng tạo trong sản xuất để vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống kinh tế mới. Với những cây trồng chủ lực như Hồng đẳng sâm (sâm dây), Sâm Ngọc Linh, bobo, cà phê catimor đã đưa nền kinh tế của huyện nghèo 30A có bước đột phá.

Xã Măng Ri nằm dưới chân núi Ngọc Linh đang đổi thay từng ngày. Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Chỉ tính riêng trong năm 2016, dù gặp thiên tai, hạn hán kéo dài nhưng người dân Tu Mơ Rông vẫn tích cực lao động, sản xuất, gieo trồng cây hàng năm (cây lương thực, cây mỳ) được gần 5.000ha (tăng 51,4ha so với năm 2015). Tổng diện tích trồng cây lâu năm (cây cà phê, bời lời, cao su) đạt hơn 5.919 ha, tăng gần 136 ha so với năm 2015.


Chăn nuôi gia súc, gia cầm được người dân chuyển từ nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn huyện có hơn 7.000 con trâu, 9.000 con bò và hơn 38.700 con gia cầm. Nhờ đó, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, thu nhập người dân nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 14,5 triệu đồng/năm. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 7,78% so với năm 2015.


Nằm biệt lập giữa bao la núi rừng, nhưng trong những năm gần đây, với sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, hệ thống đường giao thông vào các xã khó khăn đã được khơi thông. Đây chính là động lực cho nhân dân huyện nghèo Tu Mơ Rông nỗ lực làm kinh tế, thông thương với các tỉnh lân cận.


Toàn huyện Tu Mơ Rông có 11/11 xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được cả hai mùa trong năm và 70/91 thôn có đường xe ô tô đi đến được cả hai mùa. Điện lưới quốc gia đã kéo về 100 số xã, thôn làng phục vụ sinh hoạt và sản xuất.


Ông A Hình (dân tộc Xê Đăng, thôn Đăk Song, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) cho biết, cuộc sống của bà con nơi đây đã đổi thay nhiều, nhà nào cũng có ti vi để xem thời sự. Nhiều nhà sắm được xe máy, con trâu để phục vụ sản xuất.


So với trước đây cái nghèo cứ bám lấy các bản làng, đói mùa giáp hạt thường xuyên thì nay nhà nào cũng có của ăn của để. Nhiều nhà còn đi học hỏi các mô hình trồng sâm dây, sâm Ngọc Linh, cà phê nên kinh tế ổn định lắm, có hộ trở thành hộ giàu làm gương cho toàn dân làng noi theo.


Đời sống kinh tế được nâng lên, chất lượng giáo dục, khám chữa bệnh cho người dân được chú trọng đầu tư. Đối với công tác giáo dục, dù là huyện miền núi với 100% người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng tỉ lệ trẻ em đến độ tuổi tới trường đạt tỉ lệ cao (98,8%).


Tình trạng học sinh bỏ học không còn, hầu hết các xã đều có điểm trường mầm non, tiểu học, trung học đạt chuẩn. Về y tế, hầu hết 100% xã, làng có cán bộ y tế, đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Dù là huyện nghèo nhưng toàn huyện đã có 2 xã đạt 10/19 tiêu chí; 1 xã đạt 9/19 tiêu chí, 4 xã đạt 8/19 tiêu chí.


Sự đổi thay nơi vùng căn cứ cách mạng còn được thể hiện qua nếp sống, cách làm kinh tế của từng buôn, làng. Dọc theo con đường bê tông uốn lượn theo triền núi, xã Măng Ri - nơi từng là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Kon Tum hiện lên giữa bạt ngàn của cà phê, bời lời, bobo… xen lẫn với những vườn sâm dây xanh mướt. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của xã Măng Ri đạt 11,5 triệu đồng; hộ nghèo giảm còn 67,1%, giảm 8,4% so với năm 2015.


Ông A Tôn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Măng Ri cho biết, với sự hỗ trợ của Nhà nước qua các chương trình chính sách phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, trong năm qua, chính quyền và nhân dân xã Măng Ri tự lực vươn lên, phát huy thế mạnh về khí hậu, cây trồng, vật nuôi… Nền kinh tế xã đã có bước phát triển mạnh mẽ. Với các loại cây trồng như hồng đẳng sâm, cà phê xứ lạnh, bobo mà nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.


Theo ông Tôn, giờ ô tô đã về được tận bản, khám chữa bệnh tại chỗ, nhiều hủ tục, tập tục lạc hậu được đẩy lùi. Thông qua chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, đời sống của nhân dân nơi đây đang thay đồi mạnh mẽ từng ngày, bộ mặt nông thôn mới đang dần hình thành nơi vùng rừng núi Ngọc Linh hùng vĩ.


Nhìn vào những con số kinh tế của năm 2016 có thể nhận thấy được sự thay đổi đáng kinh ngạc của huyện nghèo 30A mà trước đây cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu còn quẩn quanh trong các buôn làng. Những con đường bê tông phẳng lì xẻ dọc núi vào tận các buôn làng, những mái nhà sàn vững chãi mọc san sát… đang minh chứng cho thấy Tu Mơ Rông dần vươn mình thoát nghèo, xây dựng đời sống kinh tế mới.


Quang Thái (TTXVN)
Người dân huyện Tu Mơ Rông đã có của ăn, của để
Người dân huyện Tu Mơ Rông đã có của ăn, của để

Tu Mơ Rông là một huyện nghèo, lại nằm ở vùng sâu, vùng xa nhưng đang từng ngày đi lên cùng với sự đổi thay của tỉnh Kon Tum.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN