Đổi thay từ Chương trình 135

Thần Sa là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Võ Nhai (Thái Nguyên). Cả xã có hơn 3.000 người, trong đó đồng bào dân tộc chiếm khoảng 80%, chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Mông... Với sự đầu tư hiệu quả của Chương trình 135, vùng đất này đang thay da đổi thịt mỗi ngày.


 

Từ UBND xã đến xóm Ngọc Sơn 1, Ngọc Sơn 2 và xóm Trung Sơn 2.

 

Trước đây, Thần Sa bị gọi là xã “ba không”: Không điện, không đường, không trạm. Việc đi lại của bà con hết sức khó khăn, giao thông cách trở, có khi phải đi nửa ngày đường mới tới được trung tâm xã. Tập quán canh tác lạc hậu, trình độ dân trí thấp, trình độ cán bộ xã, thôn hạn chế. Thần Sa lại là địa bàn có nhiều khoáng sản, nên tình hình an ninh trật tự cũng diễn biến rất phức tạp...


Ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Thần Sa cho biết: Chương trình 135 được triển khai tại xã từ năm 1999 đến nay, với tổng số vốn đầu tư gần 13 tỷ đồng. Các công trình được đầu tư xây dựng từ nguôn vốn này đều nhận được những ý kiến đóng góp của người dân với phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. Nhờ đó các công trình này đều phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống kinh tế xã hội của người dân như: Nhà văn hóa xóm Tân Kim, Phân trường Hạ Kim, Phân trường Hạ Sơn Tày Dao, công trình hệ thống điện lưới tại 7/9 thôn bản, trường tiểu học Thần Sa, hệ thống kênh mương, thủy lợi…


Không chỉ chú trọng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, lãnh đạo xã Thần Sa còn đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế bằng cách vận động người dân đổi mới phương thức sản xuất, tập trung xóa đói giảm nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Nhiều giống cây lương thực mới năng suất cao, chất lượng tốt đã được bà con đưa vào sử dụng thay cho những loại giống năng suất thấp. Xã cũng thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Võ Nhai mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi cho bà con.

 

Trong 2 năm qua, đã có hơn 300 người dân tham gia các lớp tập huấn này. Có kiến thức khoa học kỹ thuật, lại được hỗ trợ giống, vốn, nên bà con các dân tộc thiểu số ở Thần Sa giờ đây không còn phát nương, đốt rẫy, mà tập trung phát triển sản xuất theo phương thức mới. Một số gia đình ở Thần Sa còn biết kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi, tạo thành mô hình gia trại, cho thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/năm, đây là con số mà trước đây người dân Thần Sa không bao giờ nghĩ tới. Hiện nay, năng suất lúa của xã đạt gần 53 tạ/ha, năng suất ngô đạt trên 40 tạ/ha. Xã cũng đã có gần 3.000 con trâu, bò và hàng nghìn con gia cầm các loại. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 48,2%. Công tác giáo dục, y tế, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, số trẻ em được đến trường duy trì ở mức ổn định, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tình đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng được thắt chặt.


Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, từ nay đến năm 2015, Thần Sa phấn đấu mỗi năm giảm 5% số hộ nghèo trở lên, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15%, hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới... Để hoàn thành các mục tiêu này, đồng bào các dân tộc ở Thần Sa mong muốn Chương trình 135 tiếp tục được triển khai trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân và đẩy mạnh hơn nữa công tác xóa đói giảm nghèo ở xã đặc biệt khó khăn này.


Bài và ảnh: Lan Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN