Đổi thay ở Thanh Chăn - xã điểm xây dựng nông thôn mới

Đã hai năm kể từ ngày Đề án nông thôn mới được thí điểm thực hiện, đến nay bộ mặt nông thôn ở xã Thanh Chăn (Điện Biên) đã thật sự đổi thay. 18/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới xã Thanh Chăn đã đạt được. Kết quả này đã có tác động làm chuyển biến nhận thức trong mọi tầng lớp người dân trên địa bàn, tạo được niềm tin, động lực nền tảng về sự đổi mới vững bền của một mô hình nông thôn mới ở vùng biên.

Tạo lòng tin trong dân

Buổi đầu bắt tay vào xây dựng đề án, chính quyền và nhân dân xã Thanh Chăn đã gặp nhiều khó khăn, trở ngại, bởi trong 11 xã được Trung ương chọn xây dựng mô hình xã điểm nông thôn mới thì Thanh Chăn là xã khó khăn nhất so với các xã còn lại. Trình độ, mặt bằng dân trí của nhân dân trong xã rất thấp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên khả năng huy động vốn trong nhân dân sẽ rất hạn chế.

Ảnh: Xuân Tiến

Cùng với đó, cộng đồng các dân tộc Thái, Kinh, Tày, Nùng nơi đây với trên 1.150 hộ, đã quen nếp nghĩ, nếp làm theo cái lý, cái cách riêng của chính mình. Trong khi đó năng lực đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn, bản còn hạn chế; quỹ đất để mở rộng quy mô sản xuất lại hạn hẹp và đang trong thực tế “bão hòa” mục đích sử dụng. Đa phần người dân ở 17 thôn, bản từ lâu đã quen với phương thức canh tác truyền thống, trên ruộng lúa, thửa khoai, nên thay đổi tư duy của người dân nơi đây không phải là chuyện nay mai. Bao nhiêu khó khăn đã khiến cho bản quy hoạch tổng thể của đề án “vướng rào cản”, tưởng chừng việc xây dựng đề án ở Thanh Chăn khó thành hiện thực.

Ông Trần Văn Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn, Phó trưởng Ban quản lý đề án cho biết: Nắm bắt được nếp nghĩ, nếp làm của hơn 4.500 nhân khẩu của 4 dân tộc chính sinh sống trên địa bàn, nên khi bắt tay triển khai, xây dựng đề án, chính quyền xã Thanh Chăn đã xác định điều đầu tiên là phải tạo lập cho được lòng tin trong cộng đồng nhân dân. Chính quyền xã xác định: Hình hài và lộ trình của bản quy hoạch tổng thể đề án có thành hiện thực được hay không nằm ở sự đồng thuận của người dân, chính người dân là chủ thể trong việc xây dựng đề án và cũng chính người dân là người hưởng lợi đầu tiên từ những giá trị mà đề án mang lại.

Quá trình dựng xây đề án, phát triển quy hoạch, chính quyền xã cũng đã vận dụng được cách làm hay, tận dụng tối đa được nguồn nhân lực lao động sẵn có trên địa bàn. Đó là, đối với công trình do xã làm chủ đầu tư, Ban quản lý đề án cho mời thầu rộng rãi; những công trình có nguồn vốn hỗ trợ 30% do dân đóng góp, vì kinh tế người dân trên địa bàn còn khó khăn nên Ban quản lý đã “vận hành” bằng hình thức cho nhân dân tham gia bằng ngày công; ưu tiên xây dựng trước ở những thôn, bản có khả năng, năng lực. Đối với những dự án, hạng mục công trình cần nhiều lao động, chính quyền xã cũng ưu tiên thuê nhân lực là người địa phương nhằm tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được chính quyền địa phương áp dụng triệt để, nhờ đó các dự án, chương trình trọng điểm của đề án đều được đông đảo người dân nhiệt tình ủng hộ, tham gia đóng góp.

Xã điểm đổi thay

Trở lại Thanh Chăn những ngày này, chúng tôi càng thấy rõ lợi ích từ những dự án, công trình mang lại cho nhân dân khi được đưa vào sử dụng. Trước đây không lâu, vào thời điểm mùa gặt, hàng ngàn người dân trong xã đã thấy hết vai trò, lợi ích mà trục đường chính Tây Nậm Rốm - Thanh Hồng mang lại. Bởi hàng ngày có hàng ngàn chuyến xe của nông dân chở lúa, rơm rạ đi trên con đường này. Nhớ lại 2 năm trước kia, phải vận chuyển hàng hóa, nông sản trên con đường đất gập ghềnh ổ gà, đầy bụi bẩn vào mùa nắng, sình lầy khi mùa mưa người dân càng thấy hết tầm quan trọng mà tuyến đường huyết mạch, chạy dài giữa bát ngát ruộng đồng mang lại.

Hệ thống đường giao thông liên thôn, bản đã được bê tông hóa tại hơn 50% thôn, bản giúp nhu cầu đi lại, trao đổi thông thương hàng hóa của người dân được thuận lợi, dễ dàng. Các hạng mục công trình khác như: Trung tâm học tập cộng đồng, sân vận động xã... hoàn thành đã nâng cao đời sống tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân; hệ thống thủy lợi (đập chắn, kênh mương nội đồng…), công trình cấp nước sinh hoạt… phục vụ nhu cầu dân sinh, phát triển sản xuất cũng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Hệ thống hầm khí đốt biogas với hơn 640 chiếc được lắp đặt tại các hộ gia đình đã giúp người dân tận dụng được nguồn khí thải để tạo khí đốt, giải phóng phần nào sức lao động khi không phải lên rừng hái củi; môi trường thôn bản cũng trong lành hơn, nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng.

Ông Trần Văn Hân, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Chăn nhận định: Giá trị của đề án mang lại cho xã Thanh Chăn trên mọi lĩnh vực là rất lớn. Chính quyền và nhân dân địa phương rất vui khi được Đảng, Nhà nước chọn xây dựng thí điểm mô hình; nếu không có đề án này thì mất nhiều năm sau nữa bộ mặt nông thôn ở Thanh Chăn khó có thể đạt được như ngày hôm nay.

Với tiến độ phát triển như hiện tại, theo đánh giá của Ban quản lý đề án, đến cuối năm 2013, xã Thanh Chăn sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới mà Trung ương đề ra. Hiện tại Thanh Chăn là một mô hình xã điểm vùng biên, tạo động lực tiền đề cho 20% số xã trên địa bàn toàn tỉnh Điện Biên học tập, rút kinh nghiệm trong xây dựng mục tiêu cơ bản hoàn thành tiêu chí mô hình nông thôn mới vào năm 2015.

Xuân Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN