Đổi mới ở nơi tái định cư thủy điện Sơn La

Sau khi chuyển đến nơi ở mới nhường đất cho dự án tái định cư (TĐC) thủy điện Sơn La, đến nay cuộc sống của người dân tại các bản TĐC ở huyện Sông Mã (Sơn La) đã cơ bản ổn định. Trong các bản TĐC đã xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho thu nhập cao.


Con đường chính dẫn vào bản TĐC Quỳnh Long, xã Mường Hung giờ đã được trải nhựa thẳng tắp, đường nội bản được bê tông hóa rất thuận lợi cho việc vận chuyển và buôn bán các mặt hàng nông sản của người dân. Ông Điêu Tuyến Phủ, Bí thư Chi bộ bản cho biết: Đầu năm 2009, 28 hộ dân tại bản Huổi Nủ, xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai di chuyển về đây, để nhường đất cho thủy điện Sơn La. Những năm đầu khi mới chuyển đến, người dân trong bản gặp rất nhiều khó khăn trong việc định hướng phát triển kinh tế, nhưng đến nay đời sống đã cơ bản ổn định, trong bản đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi cho thu nhập cao.

Các hộ có điều kiện cải tạo nhà cửa khang trang hơn.

Gia đình ông Lường Văn Đôi, là một điển hình đã phát huy hiệu quả kinh tế từ những mô hình chăn nuôi kết hợp để làm giàu. Ông Đôi tâm sự: Trước đây ở quê cũ kinh tế gia đình ông chỉ phụ thuộc vào ít nương rẫy trồng ngô, trồng sắn, thu nhập rất bấp bênh, thậm chí nhiều năm bị thiếu đói. Từ khi chuyển về nơi ở mới, đất sản xuất tuy bị hạn chế nhưng được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình ông đang phát triển mô hình chăn nuôi cho thu nhập cao cùng với đó là làm nương rẫy, đến nay ông đã thoát khỏi đói nghèo và từng bước vươn lên làm giàu trên chính vùng đất mới.

Nhiều mô hình chăn nuôi cho thu nhập ổn định.

Sau 7 năm chuyển đến nơi ở mới, hiện nay bản TĐC Quỳnh Long đã có 35 hộ, với 188 nhân khẩu. Các hộ dân đã được tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại, được dùng điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có một điểm trường mầm non thuận lợi cho việc đưa con em đến trường. Ông Mè Văn Nhai, người dân trong bản cho biết: “Trước đây ở quê cũ, đường giao thông đi lại rất khó khăn, bản nằm cách xa trung tâm, nên các mặt hàng như ngô, sắn làm ra chỉ bán được giá rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, khi ở quê cũ, chúng tôi cũng không có điện, trường học lại ở xa, trẻ em trong bản thường phải nghỉ học sớm. Từ khi chuyển về đây mọi thứ đều thuận tiện, ở trên này thích hơn ở quê cũ nhiều”.

“Huyện Sông Mã có 20 điểm TĐC, với hơn 600 hộ dân. Hiện nay công tác bàn giao đất, cấp quyền sử dụng đất đã được bàn giao xong từ năm 2013. Cùng với đó, các công trình thủy lợi; công trình nước sạch sinh hoạt; hệ thống điện; đường giao thông... đều đã cơ bản hoàn thành. Các giống cây trồng, vật nuôi từ chương trình TĐC hỗ trợ người dân đều sinh trưởng và phát triển tốt, cuộc sống của người dân tại các bản TĐC đã cơ bản ổn định”.

Ông Trần Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý di dân TĐC huyện Sông Mã

Cũng giống như bản Quỳnh Long, năm 2008, 34 hộ dân ở bản Cọ, xã Liệp Muội, huyện Quỳnh Nhai đã chuyển về khu TĐC bản Pó Luông, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã. Sau những năm đầu gặp nhiều khó khăn nơi vùng đất mới, hiện nay cuộc sống của người dân trong bản đã ổn định và phát triển.

Ông Lò Văn Hom, Bí thư Chi bộ bản Pó Luông cho biết: Trước đây ở quê cũ, ruộng nương nhiều, nhưng do chưa biết phương thức canh tác người dân trong bản vẫn không đủ thóc ăn, bị đói giáp hạt. Từ khi chuyển đến đây, người dân được tập huấn cách gieo trồng mới, nên tuy đất đai hạn chế, nhưng hiệu quả lại cao hơn ở quê cũ. Mặt khác, do đường giao thông thuận tiện, các mặt hàng cũng được giá hơn so với ở quê cũ.
Bài và ảnh: Công Luật
Nỗ lực hoàn thành tái định cư thủy điện Sơn La
Nỗ lực hoàn thành tái định cư thủy điện Sơn La

Những ngày này, thị xã Mường Lay (Điện Biên) như một công trường. Đêm đến, đèn điện công trường vẫn sáng, tiếng máy ầm ầm rộn rã. Tất cả đang "chạy đua" với thời gian để đưa Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La tại thị xã Mường Lay về đích đúng tiến độ trong năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN