Độc đáo phong tục “kết tồng” của người Tày

Tuyên Quang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống (chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh). Những năm gần đây, nhiều nét đẹp văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc dần bị mai một. Nhưng có một nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Tày nơi đây vẫn còn được lưu giữ, đó là phong tục “kết tồng”.

Hai người bạn “kết tồng”.


Thôn 24, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) có 100% dân số là người dân tộc Tày. Ông Ma Văn Dư, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 24, cho biết: "Tồng" trong tiếng Tày có nghĩa là hợp nhau, giống nhau. Khi hai người bạn muốn “kết tồng” với nhau thì họ phải giống nhau về nhiều điểm, như bằng tuổi nhau, cùng cảnh ngộ, cùng nghề nghiệp, tâm đầu, ý hợp, có thể sống chết vì nhau, họ đến nhà nhau để biết bố mẹ, anh em, họ hàng của nhau thì mới “kết tồng”. “Kết tồng” chỉ có thể trai “kết tồng” trai, gái “kết tồng” gái, chứ không “kết tồng” cho đôi nam nữ. Để “kết tồng” được, đôi bạn tồng đó phải ở tuổi trưởng thành, từ 18 trở lên và không có họ hàng với nhau.

Ông Dư kể, trước đây thời thanh niên, khi chưa có gia đình riêng, ông cũng “kết tồng” với một bạn cùng họ, cùng tuổi, cùng nghề làm mộc với nhau tên là Ma Văn Tí. Hai người có rất nhiều điểm tương đồng nên đã “kết tồng”. Hai người đưa nhau về gặp mặt gia đình bố mẹ, anh em, họ hàng nội ngoại hai bên, làm một bữa cơm thịnh soạn mời mọi người trong họ tộc hai bên ăn và chứng kiến lễ “kết tồng”. Sau lễ “kết tồng” đó, hai người thực sự như là anh em ruột thịt với nhau. Sau 30 năm là đôi bạn tri kỷ, hai người luôn chia sẻ, động viên, giúp đỡ nhau cùng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Theo chân ông Ma Văn Dư, chúng tôi đến thăm nhà hai đôi bạn tồng cùng xóm, một đôi bạn trẻ và một đôi bạn già, họ ở cạnh nhà nhau. Hai đôi “kết tồng” đang làm nghề tăm tre cùng nhau. Khi hỏi về tình bạn của hai đôi, họ đã không giấu nổi sự vui mừng, xúc động và cùng tâm sự cho chúng tôi nghe về tình bạn đẹp của họ: Đôi bạn tồng Ma Thị Dương và Lưu Thị Thơm năm nay đều 46 tuổi. Chị Dương nói: “Tôi và Thơm kết tồng với nhau lúc 20 tuổi, khi hai đứa còn chưa có gia đình riêng, cũng vì có nhiều điểm giống nhau nên chúng tôi chơi với nhau từ khi còn nhỏ, học cùng nhau, hiểu tính nết nhau, lớn lên mới xin phép bố mẹ, họ hàng hai bên để hai đứa được kết tồng với nhau”. Còn chị Thơm tâm sự: “Từ nhỏ, tôi cũng chơi với nhiều bạn và thân, nhưng để hiểu và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhau được thì chỉ có Thơm là người bạn tôi chọn để kết tồng. Tôi và Thơm lớn lên rồi xây dựng gia đình, ở cùng xóm lại gần nhà, vì coi nhau như chị em ruột nên có việc to nhỏ gì trong gia đình hai bên chúng tôi đều tham gia, giúp đỡ nhau, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”.

Theo lời giải thích của ông Ma Văn Dư, "tồng" trong tiếng Tày có nghĩa là giống nhau, hợp nhau, nên các chàng trai hay cô gái luôn tìm những người bạn hợp với mình để “kết tồng”, ý nghĩa “kết tồng” trong dân tộc Tày như kết nghĩa anh em trong dân tộc Kinh và các dân tộc khác. Có thể nói, “kết tồng” trong dân tộc Tày mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc và được coi là nét đẹp độc đáo trong văn hóa dân tộc.

Đôi bạn tồng trẻ, Nguyễn Thị Tiềm và Giá Thị Hoa năm nay đều 26 tuổi, đã “kết tồng” với nhau được 7 năm. Tiềm kể: “Tôi đã lấy chồng và có con rồi, còn Hoa thì chưa, nhưng không vì vậy mà chúng tôi không thân nhau. Thuở còn nhỏ hai đứa ở cạnh nhà nhau, chơi rất thân với nhau, cả hai đều thích học thêu và hát then, hát cọi. Lớn lên đi học cùng lớp với nhau cho tới khi học hết cấp 3 thì tôi và Hoa cùng đăng ký thi vào trường cao đẳng nhạc họa nhưng tôi thi không đỗ. Hoa học 3 năm và bây giờ làm cô giáo dạy âm nhạc”. Còn Hoa tâm sự: “Mình ra ngoài học cũng quen được rất nhiều bạn, nhưng mình chỉ chơi thân được thôi, không như tình bạn giữa mình với Tiềm được, nó thiêng liêng và mình trân trọng lắm. Dù đi làm xa thỉnh thoảng mình mới về thăm nhà được, nhưng hai đứa gặp nhau là vui, chia sẻ với nhau nhiều chuyện lắm”.

Ông Ma Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Kết tồng" là phong tục văn hóa đẹp, giàu tính nhân ái của đồng bào dân tộc Tày, mang ý nghĩa cao đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái giữa con người với nhau, đó là nét văn hóa đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc. Hiện tỉnh Tuyên Quang đang khuyến khích đồng bào các dân tộc trong tỉnh giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Bài và ảnh: Nguyễn Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN