Điểm sáng phòng chống ma túy vùng biên

Huyện biên giới Sốp Cộp trước đây là "cái rốn" ma túy của tỉnh Sơn La, khi những vạt nương của đồng bào dân tộc trồng bạt ngàn cây thuốc phiện và kéo theo đó là hàng loạt người sử dụng ma túy. Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, sự đồng lòng của người dân, tệ nạn ma túy ở vùng biên đang dần được đẩy lùi.

Mặc dù đã có vợ và hai con nhỏ, nhưng năm 2012, trong một lần không làm chủ được bản thân trước những lời khích bác từ bạn bè, anh Vì Văn Cương, trú tại bản Tin Tốc, xã Dồm Cang, đã dính vào ma túy lúc nào không hay. Những của cải trước đó hai vợ chồng tích cóp được đã nhanh chóng tan theo làn khói trắng. Được sự động viên từ gia đình, bạn bè và sự giúp đỡ từ các cấp chính quyền địa phương, anh Cương đã quyết tâm đi cai nghiện. Năm 2014, anh trở về địa phương, quyết tâm tu chí, làm lại cuộc đời.

Giờ làm việc của các học viên trong trung tâm cai nghiện ma túy tỉnh Sơn La.

Anh Vì Văn Cương tâm sự: "Đến với ma túy là một sai lầm lớn nhất trong cuộc đời tôi. Những tháng ngày đi cai đã giúp tôi hiểu rõ về tác hại của ma túy. Bây giờ đi cai về rồi nếu bạn bè có rủ rê thì tôi cũng quyết tâm không đi theo con đường cũ nữa mà phải tu chí làm ăn để có tiền cho con ăn học".

Theo thống kê của Công an xã Dồm Cang, năm 2015, xã có 18 đối tượng nghiện ma túy đã hoàn thành cai nghiện trở về địa phương. Qua kiểm tra, rà soát, các đối tượng đều chấp hành tốt các nội quy, hương ước của bản, không có đối tượng nào tái nghiện.

Ban công an xã biên giới Mường Cai phối hợp với đồn biên phòng đi tuyên truyền về ma túy.

Ông Lò Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp, cho biết: Để đẩy lùi tệ nạn ma túy, Đảng ủy, chính quyền xã Dồm Cang đã yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc cấp xã (gọi tắt là Ban chỉ đạo 2968) nắm chắc tình hình tội phạm ma túy ở cơ sở, tổ chức đợt cao điểm phòng, chống ma túy. Qua đó, lực lượng chức năng đã triệt xóa các tụ điểm buôn bán các chất ma túy; tổ chức tuyên truyền tới người dân về tác hại của ma túy, vận động người dân triệt phá và không trồng cây thuốc phiện; vận động người nghiện đi cai, phát động toàn dân tham gia phong trào chống ma túy, xây dựng xã, bản, gia đình, trường học không có ma túy. Lãnh đạo xã Dồm Cang đang phấn đấu đến cuối năm 2016, sẽ đạt chuẩn 4 không về ma túy.

Nhìn vào căn nhà mới dựng khang trang tại vùng biên cương nghèo khó, không ai nghĩ đó lại là căn nhà của anh Quàng Văn Thoát, trú tại bản Nà Lốc, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, người đã từng 3 lần đi trại cai nghiện. Anh Thoát dính vào ma túy từ năm 1996 và sau 3 lần đi cai, năm 2010 anh đã hoàn toàn cai được ma túy. Trở về địa phương, anh đã tu chí, làm lại cuộc đời. Thấy anh Thoát có ý chí đoạn tuyệt với cái chết trắng và có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, năm 2012 bà con đã tin tưởng bầu làm anh làm công an viên của bản.

Theo ông Lò Văn Hóa, Trưởng công an xã Sốp Cộp, điều quan trọng nhất trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy là phải duy trì thường xuyên công tác tố giác, phát giác đối tượng có biểu hiện hoạt động tội phạm ma túy; quản lý chặt chẽ, thu hẹp dần các bản có tệ nạn ma túy để ngăn chặn các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh buôn ma túy. Hiện nay, xã đã vận động được 100% số hộ tại 17 bản trong toàn xã tiến hành ký cam kết thực hiện “4 không” về ma túy và cam kết không trồng cây thuốc phiện, giải quyết có hiệu quả 3 bản được coi là phức tạp về ma túy trở thành bản không có ma túy.
Bài và ảnh: Công Luật
Phát huy vai trò người có uy tín trong phòng chống ma túy
Phát huy vai trò người có uy tín trong phòng chống ma túy

Đại úy Triệu Quốc Huy, Phó trưởng Công an huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: “Công an Pác Nặm đặc biệt chú trọng việc phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Chúng tôi coi đội ngũ này là cầu nối, là tai mắt của lực lượng công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN